Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN





Leise rieselt der Schnee là một trong những ca khúc Giáng sinh nổi tiếng nhất của Đức. ca khúc được sáng tác bởi mục sư Tin Lành Eduard Ebel vào năm 1895 trong tập "Collected Poems" được xuất bản dưới tựa đề "Chúc mừng Giáng sinh". Ban đầu, "Leise rieselt der Schnee" tạm dịch " Tuyết dịu dàng rơi "  là bài hát nhắc nhở cho trẻ em nhờ đến khoảnh khắc của mùa đông,  "Hãy vui mừng, vì Đấng Cứu Thế đã sắp đến" với một mùa Giáng sinh gần kề. Về sau, bài hát được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và được trình diễn bởi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, bao gồm cả BoneyM vào năm 1970 trong album Giáng sinh huyền thoại.







Tuy là một bài hát không thể thiếu trong mùa Giáng Sinh của Đức, khá nổi tiếng trên thế giới nhưng có vẻ lại ít được người Việt nam biết đến. Chỉ riêng với những thành viên GIÀ của Ca đoàn Chúa Hài Đồng GX Đa Minh - Ba Chuông thì đây được coi như một ký ức không thể nào quên. Hơn 30 năm rồi, chính xác là đã 35 năm, vậy mà mỗi khi Giáng sinh về ai cũng đầy cảm xúc khi được nghe lại bài hát này. ÁNH SÁNG ĐÃ ĐẾN Bài hát đã được Cố nhạc sĩ Nguyễn Việt đặt lời, tập hát và điều khiển trong thánh lễ đêm Giáng sinh của Giáo xứ.

Tháng 11/2013 Nhóm Tình Thương Melbourne, Autralia đã phát hành CD GIÁNG SINH TRONG KHÓ NGHÈO trong 19 bài thì có 5 bài là sử dụng phần lời Việt của Thầy Nguyễn Việt. gồm Đêm Hồng Ân, Đêm Thanh Bình, Chú Bé Đánh Trống, Từ Giữa Đêm Thanh và Ánh Sáng Đã Đến, đặc biệt được anh Nguyễn Chí Thiện cố gắng giữ nguyên hòa âm của Thầy Nguyễn Việt bằng những gì còn sót lại trong trí nhớ sau vài chục năm rời xa Ca đoàn Chúa Hài Đồng để định cư tại Úc. Và có chút vui mừng khi bài hát anh giới thiệu đến mọi người đã được thu hình và đăng trên Youtube của VietCatholicNews.








Nguyên văn lời bài hát tiếng Đức :
Leise rieselt der Schnee

Leise rieselt der Schnee
Still und starr ruht der See
Weihnachtlich glänzet der Wald
Freue dich, Christkind kommt bald

In den Herzen ist's warm
Still schweigt Kummer und Harm
Sorge des Lebens verhallt
Freue dich, Christkind kommt bald

's Kindlein, göttlich und arm,
Macht die Herzen so warm,
Strahle, du Stern überm Wald,
Freue dich, Christkind kommt bald!

Bald ist die heilige Nacht
Chor der Engel erwacht
Hört nur wie lieblich es schallt
Freue dich, Christkind kommt bald

Lời bài hát chuyển ngữ sang tiếng Anh
The Snow Falls Quietly

The snow falls quietly,
Silent and still lies the lake,
Christmas shines over the woods.
Rejoice, Christ child comes soon!

There is warmth in our hearts,
Free from sorrow and grief,
Worries in life disappear,
Rejoice, Christ child comes soon!

The child, divine and poor,
Makes the heart so warm,
Shine, you star above the forest,
Rejoice, Christ Child is coming soon!

Soon is Christmas night,
The choir of angels awake,
Listen how lovely it sounds:
Rejoice, Christ child comes soon!



Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

O Holy Night



O Holy Night là một trong top ten những bài hát được nhắc đến khi Giáng Sinh về, câu chuyện kể về việc Giáng Sinh của Jesus với ý nghĩa Ngài đến để cứu chuộc nhân loài và kêu gọi mọi người hãy thành tâm thờ phương Thiên Chúa.

Có một truyền thuyết kể rằng vào đêm trước lễ Giáng sinh năm 1871, giữa trận chiến ác liệt giữa quân đội Đức và Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ, một binh sĩ Pháp bỗng dưng nhảy ra khỏi hầm trú ẩn lầy lội. Binh sĩ cả hai bên nhìn chằm chằm vào anh chàng có vẻ điên khùng này. Tay không mang vũ khí, anh đứng ngang nhiên ngước mặt nhìn trời cất cao giọng hát những câu mở đầu của bản Cantique de Noel: “Minuit, chrétiens, C’est l’heure solennelle, Où l’Homme Dieu descendit jusqu’à nous” (“Nửa đêm rồi, hỡi người giáo hữu. Đây là giờ trọng thể Con Chúa xuống trần đến với chúng ta”). Đến lúc đó thì một anh lính bộ binh người Đức trèo ra khỏi nơi trú ẩn và hát đáp lại:”Vom Himmel hoch, da komm’ich her. Ich bring’euch gute neue Mar, Der guten Mar bring’ich so viel. Davon ich sing’n und sagen will.” Đó là phần mở đầu ca khúc “Ta từ trời xuống thế” của Martin Luther. Chuyện kể rằng sau đó trận chiến ngưng lại 24 giờ đồng hồ cho binh sĩ hai bên cùng tạm thời hoà hoãn để mừng ngày lễ Giáng sinh. Có lẽ câu chuyện này phần nào thúc đẩy giới cầm quyền giáo hội nước Pháp từ bỏ tuyên bố rằng bản “Cantique de Noel” không thích hợp trong các nghi lễ tại giáo đường vì không có phong vị thánh nhạc và lời ca “hoàn toàn thiếu tinh thần tôn giáo”. và chấp nhận bản Cantique de Noel được xứng đáng hát lên trong các nghi lễ tôn giáo như trước đây.
Vào ngày trước lễ Giáng sinh năm 1906, Adams người thi sĩ sáng tác bài thơ thì đã chết từ lâu, còn nhạc sĩ Cappeau và dịch giả Dwight đều đã già cả. Hôm đó, Reginald Fessenden, một giáo sư đại học Pittsburgh 33 tuổi và trước kia là chuyên viên hoá học phụ tá cho nhà bác học Mỹ Thomas Edison, đã thực hiện một chuyện mà từ lâu vẫn tưởng không thể làm được. Xử dụng một loại máy phát điện mới, Fessenden nói vào chiếc máy khuếch đại và đó là lần đầu tiên trong lịch sử, tiếng nói của con người được truyền đi trên làn sóng không gian:”Và xảy ra trong những ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Xêda, là mọi người phải được kiểm tra”, ông cất cao giọng đọc thật rõ ràng, hy vọng tiếng nói truyền đi tới một địa điểm xa ông đã ước định trong thí nghiệm.

Những chuyên viên vô tuyến trên các tàu biển và tại các toà báo thật ngạc nhiên và sững sờ khi thấy những làn sóng xung động thường ngày họ nhận được bằng mã số phát ra trên mấy chiếc loa nhỏ xíu bỗng nhiên bị ngưng lại và giọng nói của vị giáo sư phát ra khi ông đọc đoạn Tin mừng nói trên trong sách thánh Luca. Một số người lúc đó tưởng chừng là một phép lạ khi nghe được, lần đầu tiên tiếng nói con người được chuyển thành làn sóng điện và truyền đi đến một nơi xa. Một số người khác tưởng chừng họ nghe được tiếng nói của thiên thần.

Fessenden có lẽ không biết được những cảm giác sững sờ ông gây ra trên các tàu biển và văn phòng báo chí vào lúc đó, ông không biết sự kiện nhiều người chạy vội đến máy vô tuyến để lắng nghe những âm thanh tưởng chừng như phép lạ đó. Thế nên, sau khi đọc xong đoạn Tin mừng, Fessenden nâng chiếc vĩ cầm của ông lên và chơi bản “O Holy Night”, bản nhạc đầu tiên được truyền đi trên làn sóng vô tuyến. Bản nhạc chấm dứt và buổi truyền thanh kết thúc. Vậy là âm nhạc đã tìm được một phương tiện mới để tràn lan khắp thế giới.


Từ buổi được hát lên lần đầu trong thánh lễ Giáng sinh nhỏ bé năm 1847, bản nhạc “O Holy Night” đã được hát lên cả triệu lần tại các thánh đường trên khắp thế giới. Và từ buổi một nhóm người ít ỏi được nghe phát thanh lần đầu trên làn sóng vô tuyến, bản nhạc đã trở thành một trong những thánh ca được thu thanh và được trình diễn nhiều lần nhất trong kỹ nghệ âm nhạc.




Nếu như không muốn lăn tăn với những tạp âm và nhạc cụ khác, Lắng đọng để cảm nhận hết ý nghĩa sâu sắc của bài hát ? bạn cũng có thể nghe Acapella qua sự trình bày của nhóm nhạc Home Free.


Nghe O Holy Night qua phần trình bày của Home Free

Được sáng tác vào thế kỷ 19 với lời nhạc được viết bởi Placide Cappeau, một thi sĩ người Pháp. Placide Cappeau theo học tại Collège Royal d’Avignon, tốt nghiệp với bằng cử nhân văn chương.  Sau đó, ông học luật và tốt nghiệp luật khoa tại Paris vào năm 1831. Nối nghiệp gia đình, Placide Cappeau kinh doanh rượu vang để sinh sống; dầu vậy ông vẫn giữ sinh hoạt đều đặn trong lĩnh vực văn học. 

Là một tín hữu Công giáo nhưng Placide Cappeau là người ủng hộ cải cách xã hội, chống lại ảnh hưởng của hàng giáo phẩm trên chính quyền cho nên Placide Cappeau ít đi nhà thờ.  Tuy nhiên, vì biết tài năng làm thơ của Placide Cappeau, năm 1847 vị linh mục của giáo xứ địa phương đã nhờ ông sáng tác một thánh ca cho lễ giáng sinh. Mặc dầu ngạc nhiên nhưng Placide Cappeau đã nhận lời yêu cầu đó.

Placide Cappeau kể lại rằng ông đã sáng tác bài thơ Cantique de Noël trên đường đi Paris.  Ông viết xong bài thơ trong chặng đường từ Mâcon đến Dijon.  Placide Cappeau lấy ý bài thơ từ Phúc Âm Lu-ca chương thứ hai. Trong bài thơ, Placide Cappeau đem người nghe trở về cảnh Đức Chúa Jesus giáng sinh tại Bethlehem, rồi nhắc các tín hữu đang dự thánh lễ nửa đêm về ý nghĩa sự giáng sinh của Chúa là đến để giải phóng nhân loại ra khỏi vòng xiềng xích của tội lỗi. Sau đó điệp khúc của bài thơ nhắc nhở các tín hữu phải thành kính tri ân công ơn cứu chuộc của Đấng Cứu Thế.


Sau khi sáng tác xong bài thơ, Placide Cappeau đã nhờ Adolphe Charles Adam (1803-1856), một người bạn của ông và là một nhạc sĩ có tiếng vào lúc đó, phổ nhạc cho bài thánh ca.

Mặc dầu là một nhà soạn nhạc kinh nghiệm, khi được Placide Cappeau yêu cầu phổ nhạc bài thơ Cantique de Noël, Adolphe Adam nhận thấy đây là một thách thức.  Trước hết, thời gian hoàn tất quá ngắn.  Thứ hai, sáng tác âm nhạc cần nguồn cảm hứng nhưng Adolphe Adam không hứng thú viết về đề tài mà Placide Cappeau yêu cầu. Adolphe Adam là một người Do Thái.  Rất khó cho ông có thể viết nhạc để ca ngợi Đức Chúa Jesus, một người mà ông và dân tộc ông không tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Dầu vậy Adolphe Adam vẫn bắt tay vào sáng tác.  Giai điệu của bài hát nhanh chóng được hoàn thành. Ba tuần sau, bài thánh ca Cantique de Noël được trình bày vào Thánh Lễ Nửa Đêm tại nhà thờ. Những người tin Chúa đón nhận ý nghĩa và giai điệu của bài thánh ca với niềm vui và trân trọng.

Nguyên văn bài thơ Cantique de Noël như sau :


Minuit, chrétiens, c’est l’heure solennelle,
Où l’Homme Dieu descendit jusqu’à nous
Pour effacer la tache originelle
Et de Son Père arrêter le courroux.
Le monde entier tressaille d’espérance
En cette nuit qui lui donne un Sauveur.

Peuple à genoux, attends ta délivrance.
Noël, Noël, voici le Rédempteur,
Noël, Noël, voici le Rédempteur!

De notre foi que la lumière ardente
Nous guide tous au berceau de l’Enfant,
Comme autrefois une étoile brillante
Y conduisit les chefs de l’Orient.
Le Roi des rois naît dans une humble crèche:
Puissants du jour, fiers de votre grandeur,

A votre orgueil, c’est de là que Dieu prêche.
Courbez vos fronts devant le Rédempteur.
Courbez vos fronts devant le Rédempteur.

Le Rédempteur a brisé toute entrave :
La terre est libre, et le ciel est ouvert.
Il voit un frère où n’était qu’un esclave,
L’amour unit ceux qu’enchaînait le fer.
Qui lui dira notre reconnaissance,
C’est pour nous tous qu’il naît, qu’il souffre et meurt.

Peuple debout ! Chante ta délivrance,
Noël, Noël, chantons le Rédempteur,
Noël, Noël, chantons le Rédempteur!
Sau này, khi được giới thiệu Cantique de Noël, Mục sư John Sullivan Dwight nhận thấy cần phải giới thiệu ca khúc giáng sinh tuyệt vời này cho người Mỹ.  Ông đã đặt lời tiếng Anh cho bài O Holy Night vào năm 1855 có ý nghĩa gần sát với nội dung trong nguyên tác Cantique de Noël.   Nguyên văn lời thánh ca trong Anh ngữ như sau:

O holy night! The stars are brightly shining,
It is the night of our dear Saviour’s birth.
Long lay the world in sin and error pining,
‘Til He appear’d and the soul felt its worth.
A thrill of hope the weary world rejoices,
For yonder breaks a new and glorious morn.

Fall on your knees! O hear the angel voices!
O night divine, O night when Christ was born;
O night divine, O night, O night Divine.

Led by the light of Faith serenely beaming,
With glowing hearts by His cradle we stand.
So led by light of a star sweetly gleaming,
Here come the wise men from Orient land.
The King of Kings lay thus in lowly manger;
In all our trials born to be our friend.

He knows our need, to our weakness is no stranger,
Behold your King! Before Him lowly bend!
Behold your King, Before Him lowly bend!

Truly He taught us to love one another;
His law is love and His gospel is peace.
Chains shall He break for the slave is our brother;
And in His name all oppression shall cease.
Sweet hymns of joy in grateful chorus raise we,
Let all within us praise His holy name.

Christ is the Lord! O praise His Name forever,
His power and glory evermore proclaim.
His power and glory evermore proclaim.

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

PEACE ON EARTH



Kitaro tên thật là Masanori Takahashi. Sinh ngày 4 tháng 2, 1953, tại Toyohashi, tỉnh Aichi, của Nhật Bản trong một gia đình nông dân theo Thần Đạo. Tự học chơi guitar từ nhỏ và không hề được học nhạc nên Kitaro không biết kí âm pháp. Cũng như nghệ sĩ Hi lạp Yanni, ông tự ghi lại tác phẩm của mình theo một lối riêng, một loại hình vẽ trừu tượng. Ông cũng không chỉ sử dụng synthesizer và guitar mà còn chơi được sáo, trống taiko và nhiều loại nhạc cụ cổ truyền Nhật khác. Kitaro còn tự sản xuất hầu hết các album của mình, kiêm luôn việc trình bày đĩa, chụp ảnh ( bìa đĩa Gaia do Kitaro thực hiện). Ông còn tham gia vào việc thiết kế ánh sáng sân khấu.Hơn thế nữa, trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20 Kitaro đã cùng một nhóm bạn thành lập nhóm nhạc rock, nhóm Far East Family Band. Nhưng phong cách nhạc của ông đã có một bước ngoặt lớn khi Kitaro gặp gỡ Klaus Schulze, tay keyboard trong nhóm nhạc Đức Tangerine Dream vào năm 1972, trong một chuyến lưu diễn châu Âu.

Peace on Earth là một album của Kitaro với 12 ca khúc Giáng sinh kinh điển được tổng hợp từ các nền văn hóa trên thế giới và được phát hành bởi Domo Records vào năm 1996. Sau đó, được tái bản trong năm 2011. Peace on Earth đạt vị trí số 4 trên bảng xếp hạng Billboard Top New Age Albums Chart trong tháng 12 năm 1996 .

Một tách cafe nóng và Peace On Earth với âm lượng thật nhỏ đủ để người nghe phải lắng tai quả thật là một lựa chọn cho người yêu thích nhạc hòa tấu khi khí trời se lạnh tràn về vào những ngày tháng cuối cùng của một năm, khi mùa Giáng sinh đến gần. Những ca khúc tưởng chừng như đã quá quen thuộc lại trở nên rất lạ lẫm trong cách hòa âm, phối khí và trình bày của Kitaro. Một sự kết hợp tài tình của sáo, trống taiko, nhiều loại nhạc cụ cổ truyền với những nhạc cụ hiện đại khác tạo ra một bức tranh tràn ngập âm thanh. Văng vẳng nhưng không thiếu phần réo rắt, du dương và đôi khi lại bừng sáng như ánh lửa bập bùng trong đêm khuya cứ thế mang bạn đến một nơi nào đó xa xăm, lạnh lẽo cách đây cả hơn 2000 năm nơi Thiên Chúa đã sinh ra trong đời để cùng sống kiếp con người với chúng ta.






Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

HANG BÊLEM




Nếu như Silent Night là một nhạc phẩm bất hủ của thế giới thì, Hang BêLem là một bài hát không thể thiếu được tại các nhà thờ Việt nam trong các thánh lễ mừng Giáng sinh. Và có một điều cũng khá thú vị là HANG BÊLEM luôn được chọn làm bài hát cuối cùng cho một thánh lễ, một sự kiện, chương trình nào đó hay với cả những DVD ca nhạc về mùa Giáng sinh. Bài hát như một bản tóm tắt tất cả cho mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, HANG BÊLEM thực sự đã tạo được sự âm vang trong lòng người nghe khi rất nhiều người vẫn khe khẽ hát tiếp bài hát trên đường về nhà.


Những câu hát khởi đi từ giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước, vẫn còn vang vọng mỗi dịp mừng lễ Giáng sinh, từ trong các thánh đường Công giáo tại Việt Nam và theo chân đoàn con cái Chúa đi khắp những miền xa xôi trên thế giới, từ những đài phát thanh, đài truyền hình đến tận các tư gia. Ngày nay trên các tụ điểm sân khấu vang lên tưng bừng trong những đêm Noel. Không chỉ có thế nhà nhà đều mở nhạc Giáng Sinh và thể nào cũng có bài Hang Be-lem. Bài hát thật giản dị, dễ nhớ, đã đi sâu vào lòng người. Nhiều người thú nhận đó là bài thánh ca Giáng sinh đầu tiên và duy nhất mà họ thuộc nằm lòng và chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng những người Công giáo Việt Nam và trên toàn thế giới.


Chính cái  gần gũi và đậm nét dân dã của ca khúc đã nằm trong trí nhớ của hàng triệu giáo dân. Lời hát êm ái mà chân thật như một trang cổ tích kể lại đêm giáng trần trong cảnh nghèo khó, đơn sơ của một em bé mà khi sinh ra, sự chí thánh đã làm khung cảnh lạnh lẽo chung quanh trở nên ấm áp vì tình thương của Ngài. Nhạc sĩ Hải Linh đã đem tâm tình của một con chiên để ngợi ca Thiên Chúa hơn là viết thánh ca từ tâm thức phụng vụ. Giai điệu chân thành, lời ca êm ái là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ các ca đoàn khắp trong và ngoài nước khi hát bài hát này.


Trong tâm thức chia sẻ và ngợi khen hết mực đối với Thiên Chúa, ca khúc Hang Belem tôn vinh niềm tin vĩnh cửu, tình thương vô bờ và lấp lánh trần gian giữa khung cảnh lạnh lẽo của một đêm đông xa tít tắp trong kinh thánh đã trở thành kỷ niệm cho hàng ngàn nhà thờ trong và ngoài nước…


Được coi như bậc Thầy có công lớn trong nền âm nhạc Việt Nam với khoảng 60 bài để TÔN VINH THIÊN CHÚA, 60 bài để TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG, với trên dưới 40 bản đệm đàn, bản dạo đàn, cũng như trên 10 tập tài liệu soạn ra để huấn luyện Ca trưởng, dạy đệm đàn, dạy sáng tác . . . . , vậy mà trong một lần được phỏng vấn, Nhạc sư Hải Linh đã chia sẻ :

“Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Đấng Tạo Hóa mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có "sàng tạc" được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại; tạc là dựa vào một mô thức đã có sẵn để chế biến... như người tạc tượng vậy.

Viết nhạc cũng cực như lao động chân tay vậy vì phải cưu mang, phải tính toán, rồi còn phải biết lý tưởng hóa những cảm nghĩ, tình cảm vv... Mỗi bài phải có một sức sống riêng. Tất cả những bài tôi viết nằm trong hai chủ đề là: Tôn Vinh Thiên Chúa, và Tán Tụng Quê Hương Việt Nam


Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi”.


Lúc sinh thời, cố nhạc sư Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bêlem:


Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa soạn bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu - chủ nhiệm - thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.


Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Be-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này: Ông sẽ trả chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.


Bài Hang Bêlem đã ra đời như thế, và đã được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm 1945. Và đây cũng có thể xem là ca khúc quen thuộc nhất của bất cứ người công giáo nào khi lễ Giáng Sinh tới gần.


Mời mọi người cùng nghe lại HANG BÊLEM được trình bày qua tiếng hát ban hợp xướng Quê Hương dưới sự điều khiển của Linh Mục Xuân Thảo dòng Phanxicô, một trong những học trò còn lại của Nhạc sư Hải Linh.






Nghe ban hợp xướng Trùng Dương trình bày HANG BÊLEM: tại đây .



Thứ Ba, 17 tháng 11, 2015

Christmas with Boney M


Theo Kinh Thánh kể rằng, xa xưa ở vùng Bethlehem, Hài Đồng Giêsu, bé trai của Bà Mary đã chào đời trong đêm Giáng Sinh.

Oh! Hãy lắng nghe muôn ngàn tiếng ca của các thiên thần vang hát rằng: hôm nay một Hoàng Đế đã chào đời.

Và toàn thể nhân loại từ nay sẽ được sống muôn đời, vì ngày Chúa Giáng Sinh đã đến. 

Hài Đồng Giêsu, bé trai của Bà Mary đã chào đời trong đêm Giáng Sinh.

Ôi khoảng khắc này đây tràn ngập hạnh phúc, tiếng chuông ngân vang khắp nơi. Đâu đâu cũng có nước giọt mắt vui sướng và tiếng cười rộn rã, ai ai cũng hò reo rằng : "Hãy thông báo cho mọi người, vị vua hoà bình đã giáng thế"

Ôi hỡi Đức Chúa Trời của tôi, Ngài đã để chính Con Một cứu chuộc chúng tôi.
Ôi hỡi Đức Chúa Trời của tôi, Ngài đã gửi chính bản thể mình cho chúng tôi.
Ôi hỡi Đức Chúa Trời của tôi, tội lỗi sẽ không còn bao trùm, và tình yêu thương sẽ lại thống trị lần nữa.

Nói về sự bất hủ của Nhạc Giáng sinh, chắc không ai có thể quên được Boney M, một ban nhạc huyền thoại với rất nhiều ca khúc Giáng Sinh nổi tiếng mà trong đó Mary's Boy Child là một ca khúc được đông đảo các bạn trẻ yêu thích vì giai điệu ngọt ngào và tiết tấu vui tươi, nhộn nhịp với một lối kể chuyện rất . . . cổ tích.



Với phong cách pha trộn giữa nhạc Disco và nhạc Calypso, Boney M đã trở thành một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới trong thập niên 1970. Boney M được thành lập với ý muốn một nhóm nhạc disco (pha thêm tiết tấu Trung Mỹ) có thể làm người ta quên đi rock và đủ sức khuấy động khắp các vũ trường.


Boney M là đặt theo tên của một serie phim trinh thám của Úc, “Boney”. Còn chữ cái “M” thì vẫn nhiều người chưa hiểu được nghĩa của nó, sau này ca sĩ Liz Mitchell có nói rằng “M” tượng trưng cho “mother, money, memory” (Mẹ, Tiền bạc, Kỷ niệm).


Sự nghiệp rực rỡ của Boney M khởi đầu bằng ca khúc “Do You Wanna Blump?” (1975) và những hit nổi từ album đầu tay là: “Daddy cool” (đứng đầu bảng xếp hạng ở Đức tháng 7/1976) và “Sunny” (chiếm no.1 tại Anh vào tháng 3/1977) . Theo đà thành công đó họ tiếo tục phát hành các ca khúc và đương nhiên là thu được thành công rực rỡ trên khắp thế giới: “Ma Baker” (1977), “Rivers of Babylon” (hạng 30 trong top của Mỹ), “Brown Girl In The Ring”, “Mary 's Boy Child , Rasputin” (1979) và nhiều ca khúc khác ... Số đĩa bán ra trên toàn thế giới là 150 triệu bản trong 10 năm hoạt động.


Cũng như Rivers Of Babylon là ca khúc dựa trên các bài thánh ca bày tỏ sự khao khát của dân Do Thái lưu vong sau cuộc chinh phục Babylon của Jerusalem năm 586 TCN. đã giúp Boney M nằm ở vị trí số 1 tại Anh trong năm tuần liên tiếp thì Giáng Sinh 1978, một lần nữa Boney M làm bùng nổ các bảng xếp hạng bằng ca khúc Mary's Boy Child theo lối kể chuyện về sự tích Chúa Giáng Sinh. Ca khúc nhanh chóng đứng ở vị trí đầu bảng ở Anh suốt 4 tuần liên tục và bán được 1 triệu bản.

Còn nhớ cách đây trên chục năm, có lần Ca đoàn Chúa Hài Đồng cũng tập bài nhạc này được Nhạc sĩ Đức Dũng chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề : " ĐI TÌM CHÚA TÔI " để hát trong thánh lễ Bổn Mạng. Suốt ba tháng ròng rã tập đi tập lại, các bạn ca viên vẫn không nhớ được hết các đoạn có các nhịp đảo phách cho đúng. Và tất nhiên hậu quả của việc này là người hát trước người hát sau và nghe cứ loạn cào cào. Chủ nhật cuối cùng trong mùa Vọng trước lễ Giáng Sinh là ngày tổng dợt cho chương trình, cố gắng của mọi người cũng được đền đáp khi tất cả mọi đoạn có nhịp đảo phách đều đúng chuẩn. Ai cũng vui mừng ra mặt, có người còn phát biểu một câu rất vui tai : Bài này đúng là một nỗi kinh hoàng !

Rồi đến ngày Lễ Bổn Mạng, trước phần Rước lễ, khi mà bài hát sẽ được hát, Ca trưởng viết lên bảng một câu nhắc nhở : " Các bạn cố gắng tập trung chú ý vào NỖI KINH HOÀNG nha " . Ai cũng phải bật cười và sau đó là tập trung hát cho thật tốt. Vậy mà, vẫn có một chỗ bị sai nhịp. Hay một điều là tất cả mọi người cùng hát . . . . . sai như nhau vậy nên coi như bài hát thành công và nếu không để ý thì chẳng ai biết là bị hát sai nhịp ! Đúng là một kỷ niệm khó quên khi bất chợt nghe lại ĐI TÌM CHÚA TÔI vào mỗi dịp Giáng Sinh.

Click vào đây để nghe ĐI TÌM CHÚA TÔI trong Album Tình Ca Noel 1


Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

YOU RAISE ME UP


Dù là những con người mạnh mẽ nhất thì trong cuộc đời cũng có khi bạn sẽ cảm thấy chán nản, tâm hồn rã rời, bao điều phiền muộn kéo đến như những đám mây đen, phủ kín, đè nặng lên trái tim mình đến nỗi bạn muốn trốn thoát khỏi cuộc đời. Trong những lúc như thế, có người chọn bạn bè để cafe tâm sự giải khuây, có người lại nghe nhạc, xem phim, có người lại thoát khỏi những điều này bằng cách chơi thể thao cho đến khi người mệt lả và cũng có những người tìm cách quên đi bằng những cơn say bí tỉ. Đặc biệt khi buồn chán đến, có một số người lại hủy hoại tấm thân mỹ miều của mình bằng cách . . . . ăn ! và kết quả là tròn trùng trục sau những ngày tháng buồn phiền.

Brendan Graham đã chọn cho mình một cách khá là ấn tượng khi ngồi lặng im và chờ đợi " Người ấy " đến ngồi cạnh bên khi ông được Lovland đề nghị viết lời cho ca khúc YOU RAISE ME UP là một đoạn nhạc mở đầu cho album Silent Story của Secret Garden. Brian Kenedy là ca sĩ trình bày bản thu âm đầu tiên khi Secret Garden ra album Once in a Red Moon vào năm 2001. Sau đó, You Raise Me Up thì được sử dụng trong Lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ khủng bố 11 tháng 9 năm 2002. Cũng chính vì thế mà có nhiều ý kiến trái ngược nhau khi nói rằng đây là một bài Thánh ca chứ không phải diễn tả tình yêu đôi lứa.vì chẳng lẽ 1 bài hát về lứa đôi laị được biễu diễn trong lễ kỷ niệm 11-9 ngay trong Pentagon.
Trong phiên bản gốc, You raise me up còn có một đoạn lời nữa như sau:

There is no life - no life without its hunger
Each restless heart beats so imperfectly
But when you come and I am filled with wonder,
Sometimes, I think I glimpse eternity.


Cuộc sống không thể thiếu những khát khao, và mỗi khi trái tim " tôi " sai nhịp thì " Người ấy " lại đến cùng với sự kỳ diệu khiến " tôi " thoáng nghĩ đến sự vĩnh hằng... Ca từ mang tính triết lý và nghe có vẻ hơi khó hiểu mang hơi hướng tôn giáo; nhạc đến đây cũng đổi tông khác. Trong khá nhiều bản thu âm của You Raise Me Up, khi tới khúc này, người ta đã dạo nhạc thay cho giọng hát của ca sĩ. You Raise Me Up tuy mang âm hưởng dân ca Ireland nhưng nghe nó lại giống một bản thánh ca, thêm vào đó là sự ngọt ngào du dương của pop-ballad và những đoạn ngân nga cao vút của opera.

Trong tất cả các clip được xem, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là clip Westlife Live tại sân vận động Croke Park tai Ireland. Ấn tượng trước tiên có lẽ là dùng một ca khúc khác làm nhạc dạo đầu, trong clip là bài hát nổi tiếng trong phim Titanic My Heart Will Go On. Thêm chút cảm xúc cho ấn tượng là các fan rất cuồng nhiệt và hát theo các ca sĩ trong suốt phần trình diễn bài hát.







Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

KHÔNG CÒN MÙA THU




Nghe nói về mùa thu, thấy hình ảnh mùa thu, nghe những thi sĩ, những nhạc sĩ, ca sĩ ca ngợi về mùa thu rất nhiều nhưng chẳng có cảm giác gì về mùa thu. Đến hay đi rồi ? chẳng biết nữa !

Ừ thì Saigon cũng có thời gian lá cây rụng khắp đường đi, nhưng không thể gọi là hàng cây trút lá. Vì khi lá vàng rụng rơi
, những chồi xanh lại thi nhau đón ánh nắng trên cành. Saigon cũng có những sáng sớm se lạnh, nhưng nếu không phải vì áp thấp nhiệt đới, mưa bão thì cũng là lúc thời gian đang bước vào những tháng cuối cùng của một năm khi mùa Giáng Sinh đang đến gần !!!

Mùa thu với dân Saigon là thế, chẳng một chút cảm giác với những con người luôn phải tất bật trong cuộc sống vội vàng, sự trở mình của thời tiết quá nhẹ nhàng không chút khác biệt để có thể cảm nhận sự chuyển mùa nếu ta không lắng nghe. Và cũng vì một điều, thật ra miền Nam Việt Nam làm gì có mùa thu ? Chợt nhớ ra một stt trên facebook của nhỏ em quen : Saigon có 2 mùa : một mùa nắng nóng và một mùa . . . . . nóng thấy mẹ ! hi hi hi 

Vậy mà, không biết tự bao giờ bài hát ấy đã làm cho mình trở thành một trong những người hâm mộ của mùa thu không cảm giác. Chẳng biết lần đầu khi nghe được bài hát này là từ khi nào, nhưng chắc chắn là thích luôn và ngay từ lần nghe đầu tiên ấy. Thích đến nỗi lôi vào hát ngay trong đám cưới của mình, bây giờ nhiều khi nghĩ lại thấy thật buồn cười vì nội dung hoàn toàn trái ngược nhau. Cũng không biết có phải là một tiên báo cho định mệnh của một cuộc tình.

Việt Anh với " KHÔNG CÒN MÙA THU " bằng những ca từ đẹp và giai điệu nhẹ nhàng đã chậm rãi trải dài mùa thu vào lòng mọi người, một bài hát viết cho mùa thu nhưng nội dung lại là không còn mùa thu. Và chắc rằng bài hát ấy cũng đã làm thổn thức bao người khi chợt nhận ra một điều : thu đã không còn khi theo em về bên ấy, Không còn ánh trăng bên thềm, mùa thu giờ cũng chỉ là nhớ thương, những nỗi niềm chồng chất của người ở lại khi câu yêu thương vẫn mãi chỉ là những lời vụng về chưa kịp gửi trao. 1 phút ngẫu hứng, những mong ước xa vời đã được lồng vào những vần thơ :

Em bên ấy, có còn thoáng thương nhớ,
Trăng bên thềm có còn tiếc mùa thu ?
Còn không em, dù chỉ là một chút.
Hãy quay về, ta lại thắp ánh sao.


Tình yêu không dành cho riêng ai, ai cũng có thể yêu, nhưng để tỏ bày thì không phải ai cũng có thể. Cũng thế, KHÔNG CÒN MÙA THU thật dễ hát, ai cũng có thể hát nhưng hát hay thì lại rất khó. Theo nhận xét cá nhân, cần có một giọng hát trầm, dày và nếu có thể hơi khàn chút là rất phù hợp để vẽ nên bức tranh mùa thu này. Sức lôi cuốn càng mãnh liệt khi bài hát được trình bày với một nhịp độ vừa phải, như những cơn gió thu chỉ
 thoảng nhẹ đem cái se lạnh vào lòng người nghe. Sự quyến rũ của mùa thu sẽ mất đi khi nhịp độ bài hát quá nhanh, làm mờ nhạt đi những tiếng réo rắt của dàn nhạc, như không thể diễn đạt hết những tiếc nuối mênh mông, những day dứt của người còn ở lại. Có lẽ, khi đưa ra những đề nghị gọi mời cho một người nào đó quay trở về, ta cũng cần phải có chút thời gian cho người nghe suy nghĩ trước khi đưa ra một quyết định để sau này không phải hối tiếc. Ngược lại, với nhịp độ quá chậm, bài hát có nguy cơ bị rời rạc, hụt hơi và mất đi sự lôi cuốn. Sự chờ đợi quá giới hạn dễ làm người ta chán nản, thờ ơ và buông xuôi. Làm cho người nghe cảm thấy không chắc chắn, đôi khi còn gây nên sự hụt hẫng khi mọi việc không đạt kết quả như đang mong chờ.

Cho dù chất giọng không trầm ấm, mỏng lét như thân hình nhưng cũng khoái rất khoái khi được hát bài này, mời mọi người nghe mình hát nha : Không Còn Mùa Thu qua tiếng thét Hải Hồ !!!


" Đường ta đã qua chìm khuất chân trời, đường ta sẽ qua nào ai biết tới . . . . . "  Một chút gì đó mang màu sắc bí ẩn, cuốn hút như vẻ đẹp của những chiếc lá phong, một chút gì đó thật riêng cho chính bản thân của mình.

Một trong những ca sĩ thể hiện khá thành công bài hát này có thể kể đến là Quang Dũng cùng hát với Mỹ Linh, với chất giọng nam trầm sâu lắng nhưng không thiếu phần khởi sắc khi đạt đến cao trào của bài hát. Mỹ Linh tuy nhẹ nhàng, vút cao nhưng nội lực cũng tỏ ra không kém hơn Quang Dũng để đem đến cho người nghe một sự hòa quyện thật tuyệt vời.






Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Lưỡi Dao




Tối nay ngoài trời mưa, không lớn lắm nhưng đủ để ướt áo người đi đường. Ngồi nhà nghe lại một vài bản nhạc xưa, tình cờ chọn ngay KNIFE , một bài hát được yêu thích và rất nổi tiếng vào những năm cuối của thập niên 80. Chắc chắn những ai đã từng nghe bài hát này vào những năm ấy cũng không thể quên được những cuộn băng từ, cassette deck và những dàn amply stereo với những cái loa thùng cồng kềnh của thuở ấy.

Bài hát được trình bày bởi Rock Well một ca sĩ chuyên hát R&B có tên thật là Kennedy William Gordy sinh ngày 15 tháng 3 năm 1964 tại hạt Detroit, Michigan, Mỹ là con của người sáng lập hãng thu âm Motown.

Không hiểu sao một ca sĩ chuyên R&B như Rock Well lại trình bày một bài Ballad. Với mình, mình luôn bị lôi cuốn bởi Rock Ballad, nó có một cái gì đó rất khẩn thiết, rất mãnh liệt trong tiết tấu chậm rãi. Như có gì đó bị kìm nén, chỉ chực vỡ tan ra vào những khúc chuyển đoạn của bài hát với đoạn chuyển trống thật dồn dập.

Dốt tiếng nước ngoài, nhưng được cái khôn lỏi nên cũng nhờ Bác Google mà hiểu được Knife là con dao. Vì thế mình hay gọi tên của bài hát này là bài hát " CON DAO " !!! Thêm được vài người bạn cùng thời giải nghĩa theo kiểu " bàn đề " nên khi dịch ra tiếng Việt và văn hoa chút chắc là vết cắt trong đời vì thấy có chữ my life ???  ha ha ha, cũng hợp lí, đã có dao thì trước sau gì cũng sẽ có vết cắt thôi. Chẳng phải Ông Bà ta đã nói : " Chơi dao sắc có ngày đứt tay " còn gì.

Thật đúng với Knife, không chỉ một vết cắt vào tim khi người yêu đã ra đi mà còn nhiều, nhiều vết cắt nữa khi chàng trai lại phải mệt mỏi mỗi ngày để dấu chặt nỗi đau trong lòng vì không muốn trở thành trò cười cho những bạn bè xung quanh mình khi mọi chuyện được phơi bày.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng đã từng một lần cảm nhận được những cay, đắng, ngọt, bùi của tình yêu. Nhưng để trải nghiệm sự đau khổ, tiếc nuối vô vọng về một tình yêu, cảm nhận được nỗi đau do vết cắt sâu thẳm trong tim mà tình yêu mang đến thì không phải ai cũng từng ! Và, có lẽ KNIFE đúng là con dao giết người như cái tên của bài hát dành cho những con người thất tình và đặc biệt " chống chỉ định " với những người vừa chia tay mà tâm trạng đang dưới hố sâu vực thẳm của tình yêu.






Lời dịch bài hát :


Em đã bước vào cuộc đời tôi
Thật nhẹ nhàng trong đêm thanh vắng
Những ước muốn của tôi trong đêm khuya tĩnh lặng
Cũng là khát khao của em bỏng cháy trong tim

Nhưng đến khi em chạy trốn khỏi cuộc tình dịu êm 
Thì tất cả đã không còn gì hết
Tôi tự nói với mình: tự do đã đến
Hãy một lần được sống cho bản thân thôi!
Vội vã về làm chi
Khi em đã đi rồi!

Đau đớn quá!...
Như có lưỡi dao cắt vào lòng tôi
Vết thương quá sâu
làm sao mà liền lại!
Lưỡi dao cắt vào lòng đau tê tái
Em đã cắt nát trái tim tôi!

Đã có lúc phải giả vờ vậy thôi!
Cố gượng cười ngốc ngu cùng chúng bạn!
Nếu biết, họ sẽ cho tôi là trò cười bệnh hoạn
Tôi diễn trò, để ngày tháng cứ trôi
Nhưng diễn làm sao để che giấu được 
những gì trong mắt tôi!...

Tôi mệt mỏi lắm rồi!
Tôi không thể cố diễn trò được nữa!
Tôi gạt qua những nỗi đau và tự mình thấu tỏ
Nỗi đau mong có em và tuyệt vọng vì nhớ em...

Nỗi đau như có lưỡi dao cắt vào tim
Vết thương sâu bao giờ lành lại được?
Em đã cắt trái tim tôi tê buốt

Lưỡi dao em đã cắt nát đời tôi!...

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2015

Lạc đà chui qua lỗ kim


Sống trên đời này người giàu sang cũng như người nghèo khó. 
Mai kia chết rồi trở về cát bụi giàu khó như nhau 
Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi lại mất. 
Người nhớ cho, Xin người nhớ cho ta là cát bụi 
trở về cát bụi xin người nhớ cho.

Tuấn Vũ với ca khúc " Trở về Cát Bụi " của nhạc sĩ Lê Dinh như nhắc nhở dù giàu sang hay nghèo khó khi qua đời thì con người ta cũng chỉ trở lại với thân phận cát bụi của mình, ra đi với 2 bàn tay trắng bỏ lại tất cả của cải, lợi danh và chức quyền nơi trần gian. Với người đời, chết là hết. Với người có đạo, dù đạo Phật hay đạo Chúa thì chết chưa là hết. Con người ta sẽ đi đến một nơi nào đó, có thể là Thiên Đàng hay Hỏa Ngục, Niết Bàn hay Địa Ngục tùy theo cách mỗi người khi còn sống ở trần gian.


"Thầy bảo thật các con: Người giàu có thật khó mà vào Nước Trời. Thầy còn bảo các con rằng: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời".

Với những người nghèo lo làm lụng mưu sinh, cả ngày quần quật mệt phờ đến tối khuya, giờ nghỉ cũng còn ít nói gì đến giờ đi lễ, tham gia các hội đoàn . . . . . Lắm khi còn phải làm luôn cả ngày Chủ nhật mà không có giờ đền nhà thờ tham dự thánh lễ, lại mang thêm cái tội bỏ lễ ngày Chủ nhật. Tiền lương thì ít ỏi, lo cho gia đình, bản thân còn chưa xong nói chi đến giúp đỡ người khác. Cuối cùng cũng đành chắc lưỡi mà rằng : Thấy cũng tội, mà thôi cũng kệ !

Lỡ đâu mai kia bỗng dưng được đổi đời, ta giàu có hơn, tiền của rủng rỉnh không phải lo lắng, sáng sáng đi nhà thờ dâng lễ. chiều đến tham gia các hội đoàn đọc kinh cầu nguyện. Có tiền rồi ta ngại gì mà không sẵn sàng ủng hộ và tham gia các chương trình từ thiện, giúp đỡ cho các công trình xây dựng nhà thờ, cho mọi người đến gần với Chúa hơn. Ủa, vậy sao Chúa lại nói rằng con lạc đà vào Thiên đàng dễ hơn ta trong khi ai cũng biết rằng con lạc đà chẳng thể nào chui qua được lỗ kim ??? 

Đọc đoạn Phúc âm theo Thánh matthêu này ( Mt 19, 23-30 ), một số người giàu có chắc cũng cảm thấy khó chịu khi bị " phân biệt giai cấp ", cảm thấy bất mãn khi đã mất tiền của giúp đỡ lại còn bị lên án. Ví như xưa kia Dakêu không giàu có thì một nửa tài sản của ông giúp đỡ được mấy người. Rồi như Giuse Arimathia, Nicôđêmô, cũng nhờ giàu có mà họ đã bỏ tiền ra lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.

Giàu có không phải là vật cản đường tới Thiên đàng, nếu ta biết làm chủ vật chất, dùng của cải như một phương tiện, đúng cách, đúng nơi thì lại là một lợi thế cho chúng ta trên đường về quê trời. Tiền bạc không tự bản thân nó xấu, mà là vì chúng ta tự nguyện trở thành nô lệ khi chúng ta luôn bận tâm đến nó mà quên mất còn nhiều cái quan trọng hơn tiền của, vật chất.

Chúa Giêsu không lên án người giàu có, Ngài chỉ luôn kêu gọi chúng ta sống tinh thần nghèo khó. Biết làm chủ của cải, tự do mà không bị ràng buộc bởi của cải, vật chất trần gian. Biết dùng của cài, vật chất một cách khôn ngoan để đổi lấy ơn phúc cho mình là hành trang cho mỗi người chúng ta khi lên đường về quê trời. Đừng quên rằng có những thứ quan trọng và cần thiết hơn của cải và vật chất đó chính là sự sống đời đời trên nước Thiên đàng.

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Dòng Sông Xanh




Ai yêu nhạc cổ điển đều không thể không biết một bài hát về một dòng sông. Bài hát này có tên tiếng Đức là An der schönen blauen Donau, có nghĩa là "Dòng sông Đa-nuyp trong xanh và xinh đẹp", được Johann Strauss II sáng tác với lời được viết bởi nhà thơ Josef Weyl năm 1866 và được công diễn lần đầu tiên vào 9 tháng 2 năm 1867 trong buổi hòa nhạc của Ban Thánh ca nam thành Viên (Wiener Männergesangsverein). Sau đó, Johann Strauss đã soạn lại bài này thành một phiên bản cho dàn nhạc hòa tấu với tên gọi là “Le beau Danube bleu” và đã thành công rực rỡ ngay từ buổi trình diễn đầu tiên. Như vậy bài hát có tuổi đời xấp xỉ 150 năm, giai điệu thật cổ xưa nhưng cũng thật đẹp tuyệt vời. Hàng năm cứ mỗi lần đón chào năm mới, hàng trăm triệu khán giả truyền hình trên khắp thế giới đều háo hức chờ đợi dàn nhạc giao hưởng “Wiener Philharmoniker” của Áo trình diễn buổi hoà nhạc truyền thống “New Year Concert” chào mừng năm mới với bản nhạc kết thúc luôn luôn là bản Waltz “The Blue Danube” của Johann Strauss II. Cho đến nay chưa có giai điệu nào về dòng sông Đa-nuyp chinh phục người nghe toàn thế giới đến thế. Tiêu đề phổ biến của bài hát này bằng tiếng Anh là The Blue Danube, nghĩa là Sông Danube xanh. Bài hát này xuất phát từ một mối tình trớ trêu mà tuyệt đẹp của chính tác giả.



"Khi sáng tác bài này, Johann Strauss đã có vợ. Vợ ông giành cho nhạc sĩ thiên tài một tình yêu vô bờ, tận tuỵ, đằm thắm và bao dung để ông tập trung cho âm nhạc. Một ngày bà phát hiện ông chồng bay bổng như đi trên mây. Qua tìm hiểu, bà biết, ông đang lạc vào tình yêu mới với một cô gái trẻ trung xinh đẹp từ xa tới.

Một buổi sáng, bà tìm đến khách sạn, gõ cửa phòng cô nhân tình của chồng. Cô gái trẻ sững sờ, tưởng được lao vào vòng tay cuồng si của chàng, thay vào đó là lại là vợ chàng xuất hiện. Cô những tưởng sẽ phải đối phó với cơn cuồng phong ghen tuông, quật nát không khí nôn nao...

Nhưng không một lời ca thán, người vợ nói lời cám ơn cô gái đã làm cho chồng mình hạnh phúc. Bà dặn cô hãy chú ý đến bệnh phổi của ông, nhắc ông mặc thêm áo ấm mỗi khi trời tối. Cô chưa hết bàng hoàng thì bà đã tạm biệt, đóng cửa rồi đi. Cô đã khóc, vì yêu, vì xót, và vì những điều gì hơn thế nữa... Chợt cô tỉnh ra, chạy ra cửa để nhìn theo bà. Đúng lúc đó bà ra đến cửa khách sạn, mọi cố gắng để "cao thượng" cạn kiệt, toàn bộ nỗi đau của người vợ tận tuỵ đè lên trái tim bà ... Bà lảo đảo ngã quỵ...

Không cần suy nghĩ nhiều hơn, cô gái thu xếp va li để ra đi. Cô đã hiểu cô không thể làm tổn thương thêm một người phụ nữ cao thượng đến vậy. Khi người nhạc sĩ đến khách sạn gặp người yêu, gặp vợ đang ngất xỉu liền lo lắng đưa bà vợ đi bệnh viện. Khi người vợ tỉnh lại, câu đầu tiên bà nói với chồng là xin lỗi ông vì đã tự tìm gặp cô gái ... Người nhạc sĩ vội chạy ngay đến khách sạn, nhưng nàng đã ra đi. Ông đuổi theo ra đến cảng, thì vừa lúc con tàu rúc còi rời bến... Strauss đứng như trời trồng, đau khổ tột cùng, nhưng ông thấy mình hạnh phúc vô biên vì ông đã được hai người phụ nữ xứng đáng yêu, cả hai đều cao thượng, và đều biết hy sinh.


Và trên bến sông, tâm hồn ông tuôn trào thành một giai điệu ngây ngất của tình yêu, bản Danube xanh sau này được nhiều người coi là vua của các bản nhạc Valse”.

Nguồn : Internet.


Cuộc sống luôn được ví như dòng sông, có những lúc lặng lẽ dịu dàng uốn lượn trong nắng hè, nhưng cũng có những lúc réo rắt như reo vui. Rồi cũng có khi sông lại cuồn cuộn, sôi sục, tuôn tràn vì những khúc hẹp của hai bên bờ. Có lẽ bản thân tác giả khi viết lên những dòng nhạc đã thể hiện được những cảm xúc qua giai điệu mượt mà của bài hát. Nhưng, với sự thay đổi liên tục về tiết tấu, cường độ, dàn nhạc André Rieu càng làm cho người nghe cảm nhận rõ hơn qua sự phối khí tuyệt vời cho các nhạc cụ trong từng thời điểm.









Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2015

CÁT BỤI



Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim "Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt dây. Người nghệ sĩ mù nói : có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay. 

Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi.Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích. 

Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát bụi”. 

Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. 

Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tỉểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi. 

“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…” 

Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi. 

(Trịnh Công Sơn)






Video " Cát Bụi " trong Album nhằm gây quỹ từ thiện ' ÁNH SÁNG TỪ TÂM "


Nhạc phẩm " Cát bụi " của Trịnh Công Sơn là một bài hát hay về cả nhạc và lời. Nó là một bài hát đầy tính nhân văn cao cả. Cũng có những chấm vui trong bài hát nhưng chấm vui đó càng tô thêm nỗi buồn, một cái buồn rất nhẹ nhàng với nỗi ám ảnh giữa sự sống và cái chết. Buồn ở đây không sầu não, không ủy mị. Cái buồn có tác dụng đưa chúng ta quay trở về với chiều sâu của tâm hồn để rồi tự chọn cho mình một lối sống sao cho đáng " phận người ". Nó giúp chúng ta có một cách nhìn về cuộc đời có trách nhiệm. Thêm vào đó, bài hát có tính triết lý sâu sắc càng giúp người đọc thêm hiểu đời và hiểu mình nhiều hơn. 

Cuộc đời cũng như một vết mực mà thôi, vết mực rồi cũng sẽ nhòe và biến mất dần theo năm tháng. Con người ta phải sống như thế nào ? Có cái gì vĩnh cửu trong cõi vô thường này ? Hay rồi cũng tan thành mây khói, rồi trở về với hư vô. Phải chăng, phận người cũng chỉ là một cái gì đó nhỏ nhoi lắm ?

Nhưng trong cái tối tăm thì cũng có những cái tươi sáng. Kiếp người trên đời cũng chỉ là " kiếp rong chơi ", là tạm bợ, tức không có gì vững chắc, thay đổi liên tục nhưng không có nghĩa là không đáng sống. Ở đây, người nhạc sĩ đã sử dụng một loạt hình ảnh tương phản như " hạt bụi hóa kiếp thân tôi " với " cát bụi tuyệt vời " hay " mặt trời " với " kiếp rong chơi " để làm nổi bật lên cái khổ đau cũng như cái hạnh phúc của một đời người.

Cát bụi, con người chỉ là cát bụi, hạt bụi tuyệt vời khi hoá kiếp thân tôi, hạt bụi mệt nhoài khi tôi trở về làm cát bụi. Nghĩ cho cùng, tất cả mọi người cũng chỉ là những hạt bụi hoá thân thành kiếp nhân sinh, sớm muộn cũng sẽ tàn lụi với thời gian. Do đó nỗi khắc khoải ngàn đời của con người là tìm kiếm ý nghĩa của sự hiện hữu, ý nghĩa của đau khổ, ý nghĩa của giải thoát, ý nghĩa của cuộc sống. một vòng quay, một trăm năm, một kiếp người có là mấy! "Chợt một chiều tóc trắng như vôi", không phải là trắng như bông, như mây hay như tuyết mà là như vôi đổ xuống huyệt mồ.

Trịnh Công Sơn không bi quan, ông chỉ nói lên điều ông cảm nghiệm thấm thía về sự mong manh của kiếp người : cuộc đời đẹp biết bao, sự sống cao quý biết dường nào, nhưng nó cũng như "đoá hoa vô thường". Ðó là một thực tế, nhìn nhận và đối diện với nó một cách can đảm để có thể đưa ta tới một cuộc sống tốt đẹp hữu ích và có ý nghĩa hơn .



Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Sắc Màu



Cuộc sống con người có phần nào giống như một bản nhạc, những nốt nhạc đan xen với nhau. Có những nốt nhạc cao vút và cũng có những nốt nhạc trầm lắng. Khi thì êm dịu nhẹ nhàng, nhưng cũng có những bùng nổ, dồn dập và mạnh mẽ.
Cái hay của Trần Tiến là chỉ dùng những hình ảnh đời thường với những màu sắc đơn giản trong một bài nhạc ngắn ngủi mà đã diễn tả được cả một đời người từ lúc sinh ra đến khi không còn tồn tại nơi thế gian nữa.
Cái hay của Trần Thu Hà là diễn tả bài nhạc đúng với ý đồ của tác giả trong từng câu hát, sử dụng đúng chất   giọng vào đúng từng thời điểm của bài hát.
Cái hay của người hòa âm cho bài hát là rất đơn điệu với guitar với tiếng sáo mang cho người nghe một cảm giác xa xôi, huyền bí.
Chia sẻ với mọi người cảm nhận về bài hát được AmNhac Va DoiSong sưu tầm từ Internet và mời mọi người cùng nghe : Sắc màu. Nhạc Nhật, lời Trần Tiến.





. . . . . . . . . . .

Còn nhớ có nhiều nhạc sĩ đã từng nói họ đến với âm nhạc như đến với một cơ duyên , nhưng đối với Trần Tiến mà nói thì âm nhạc như là nguồn sống để giúp ông vượt lên bao nỗi đau trong cuộc sống, và có thể coi Sắc màu là đứa con của định mệnh.
Khi nhạc sỹ đối mặt với sự sống và cái chết trên giường bệnh, Sắc màu đã ra đời như một sự chiêm nghiệm về kiếp người. Cuộc đời có “vô” mới có “hữu”, nói về cái mênh mông của đêm thâu để thấy kiếp người mỏng manh, xót xa nhiều quá nhưng bền bỉ và đáng trọng đến như thế nào…
Như cành cây khô trôi ngược dòng, từ bóng tối tới miền sáng, nhạc sĩ phiêu du trong mê cung của tiềm thức bỗng, chốc quay trở lại với đời thực. Từng thanh âm như vang lên những nghiệm trải về kiếp phù sinh, Sắc màu chất chứa những cung bậc phiêu lãng
Cái bản thể cô đơn như bị chôn giấu sau nỗi đau tinh thần và thể xác, bất chợt cựa quậy giữa bóng đêm dày đặc và sâu hun hút, những thổn thức thăm thẳm trong lòng trỗi dậy. Còn lại một mình, đứng trước vòng quay sinh tử đời người, con người trở nên nhỏ bé, nhỏ bé đến vô hình.
Giai điệu của bản nhạc cứ ngày càng thẳm sâu, vút cao hơn, đầy trăn trở. Những sắc màu cứ nối tiếp nhau như những thước phim câm với hình ảnh lướt nhanh, chỉ đơn giản là những khoảng thời gian với những mảng màu riêng biệt, vậy mà vẽ ra đủ những thăng trầm biến động.
Đi qua những dâu bể của đời người nhưng rồi ta cũng chẳng còn lại gì, ngay cả chính ta cũng tan biến vào hư không…
Sưu tầm từ internet với bài viết của Nhi Nhi.