Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

Về đây nghe em !


Những tác phẩm nổi tiếng của Trần Quang Lộc như "Về Đây Nghe Em", "Em Còn Nhớ Huế Không", "Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội", "Chợt Nghe Em Hát" vẫn đang được ái mộ mặc dù đã được sáng tác nhiều năm về trước.
Nhạc của ông không bị lệ thuộc thời gian. Ca khúc “Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội” tuy được sáng tác vào năm 1972 nhưng người nghe khó phân biệt được nó với những ca khúc về Hà Nội trong thời gian gần đây.





Những ca từ hết sức dễ thương này như đi thẳng vào lòng người nghe với tất cả ngạc nhiên thích thú. Người con trai thầm thì bên tai cô gái những lời ru buồn nhưng thanh khiết, có khả năng lay động những bức tường kiên cố nhất cản trở bước chân cô.
Chàng trai không có gì để trao đổi lại với lời yêu cầu nhưng cô gái biết rằng những âm thanh ngập ngừng đứt quãng này phát xuất từ một trái tim rất hồng đang đập những nhịp điệu yêu thương về cô, người con gái bé nhỏ đang chơi với giữa giòng đời lạ lẫm.
Người nghe những lời thầm thì này bên ngoài đất nước Việt Nam sẽ nghĩ rằng từ nơi đất mẹ xa xôi, chàng trai xưa cũ đang cố thuyết phục người yêu làm một cuộc trở về, trở về với quê hương thanh tú chứa đầy kỷ niệm.
Hình ảnh đôi guốc mộc bình dị là thế nhưng lại có khả năng gây xao động cả một giòng sông ký ức. Người xa quê ai mà không nhớ những hình ảnh chân quê, mộc mạc này. 
“Tôi viết năm 69-70, thời điểm đó ở Sài Gòn thì chiến trang đang ở cao trào. Buổi tối ở Sài Gòn lúc đó thời tôi còn đi học tối thì đi đánh đàn ở các quán Bar. Thành phố Sài Gòn giới nghiêm, ban đêm chỉ còn lại những người lính viễn chinh ở Mỹ. Còn trong mấy quán bar chỉ còn lại những cô vũ nữ, cave…những cô sinh viên mặc mini jupe phục vụ trong những quán bar này…
Lúc ấy mình là con người Việt Nam nên có cái nhìn hình như có điều gì đó ray rức trong lòng…cảm nhận có cái gì đó mình không diễn đạt được. Mình cảm nhận có một sự mời gọi để quay về với quê hương, những day dứt đó mình viết thành ca khúc “về đây nghe em…"
Bài hát này sau đó cũng được nhiều ca sĩ hát. Bài hát này thuận lợi cách nào đó cho nên thành công. Cho mãi đến bây giờ tuy đã mười mấy năm nhưng cũng còn nhiều ca sĩ chọn để hát. Trong những cuộc thi Tiếng hát truyền hình Việt Nam người ta cũng chọn nó”.
Thì ra là vậy! Ca khúc “Về Đây Đi Em” có tuổi đời già hơn nhiều người lầm tưởng!
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc kể lại tiểu sử bài hát được nhiều người yêu thích này khiến vỡ ra rằng đây không phải là bài hát được sáng tác tại hải ngoại sau khi hàng triệu người bỏ nước ra đi.
Vậy mà lạ thay, cái hồn phách của nhạc phẩm này sao chừng như gọi mời người con xa xứ lắm vậy. Chiếc áo the, đôi guốc mộc, nồi khoai, hạt lúa mới… không phải đang gợi lại hình ảnh khó quên trong tâm trí hay sao…


Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Trái tim chai cứng


Trái tim chai cứng là trái tim xơ cứng, chúng ta thường gọi là “trái tim sắt đá”. Đó là tình trạng chai lỳ, vô cảm, thậm chí có thể tàn nhẫn.

Về tâm linh, đó là trái tim nguội lạnh, khô khan, hầu như mất niềm tin vào Thiên Chúa. Vì thế, người có trái tim chai cứng có thể bất cần đời, sống buông thả,... Tình trạng chai cứng của trái tim thật đáng sợ, nhưng tình trạng chai lỳ của linh hồn còn khủng khiếp hơn!

Trái tim chai cứng không chỉ mất liên lạc với Thiên Chúa, mà còn không hy vọng và không hạnh phúc. Đây là các dấu hiệu của trái tim chai cứng.

Không nhận biết Chúa

Đó là dấu hiệu trái tim đã trở nên vô cảm, coi mọi sự chỉ là tất nhiên. Hãy cố gắng thay đổi cách nhìn, mọi thứ không thể theo trật tự nếu không có chủ.

Thiếu niềm tin

Đó là tình trạng trái tim xơ cứng. Hãy xét lại mình, xem chi tiết mọi ngõ ngách trong cuộc đời mình. Hãy cố gắng thể hiện niềm tin vào cuộc sống, đặc biệt là niềm tin vào Thiên Chúa.

Ích kỷ

Đó là một dạng khác của trái tim chai cứng. Những người tránh né người khác, nuốt lời hứa, tìm tư lợi, tham lam,... Hãy cố gắng mở rộng lòng, như tục ngữ nói: “Sống bo bo thì trời co lại, sống xởi lởi thì trời cởi cho”.

Nổi loạn

Chống đối hoặc chỉ trích Chúa, đồng thời cũng chê trách người khác, đó là dấu hiệu trái tim xơ cứng. Hãy cố gắng kiềm chế, và đừng quên “nhân vô thập toàn”.

Biện hộ

Biện hộ cho cách hành xử xấu là dấu hiệu trái tim chai cứng. Biết xin lỗi là dám nhận mình sai, nhờ đó có thể sửa đổi để sống tốt hơn.

Biết mình là điều cần thiết. Biết mình sai thì sửa, biết mình yếu thì cần thầy thuốc, biết mình kém thì phải học hỏi,… Đừng cố chấp! Hãy cầu xin Chúa chữa lành linh hồn và biến đổi trái tim chai cứng của bạn.

Lạy Chúa Giêsu, giờ đây con đang hiện diện trước Tôn Nhan Ngài, xin Ngài bao phủ con. Con xin dâng Ngài cả hồn xác con. Con xin dâng Ngài cả trái tim tan nát của con, xin Ngài thương biến đổi, xin đừng để con bao giờ xa cách Ngài, xin tẩy rửa trái tim con trong Máu Thánh Ngài, và xin mau cứu độ con. Amen.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ beliefnet.com)
Cùng nghe ca khúc "Quả tim mới" của LM Thành Tâm DCCT.