Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

AMEN !



Trong thánh lễ, nhiều lần chúng ta đáp Amen sau những lời nguyện mà linh mục chủ tế thay mặt cộng đoàn tuyên đọc. Thí dụ:

- “Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội, và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. - Amen”.

- “... đến muôn thuở muôn đời. - Amen”.

Amen là chữ Do thái. Các tín hữu thời Cựu Ước thường dùng chữ Amen để kết thúc lời cầu nguyện của họ. Chúa Kitô cũng đã sử dụng, không những lúc Người cầu nguyện, mà còn cả trong lúc giảng dạy để nhấn mạnh, làm nổi bật chân lý Người nói : “Amen - Thật - Ta bảo thật các ngươi...” Chúng ta thường gặp ngôn thức này trong Tin Mừng.


Trước kia, sau các lời nguyện, người ta thưa “Ước gì được như vậy”. Bây giờ người ta thích dùng chữ Amen hơn, vì Ước gì được như vậy không thể diễn tả hết được sự phong phú của chữ Amen.

Khi thưa Amen, người ta không chỉ bày tỏ ước muốn được như vậy, mà còn xác nhận một điều chắc chắn. Đó là trường hợp khi vị linh mục công bố : “Mình Thánh Chúa Kitô” và tín hữu thưa “Amen”. Chữ Amen ở đây có nghĩa “Vâng ! Tôi xác tín Chúa Kitô đến ngự trong tôi dưới hình bánh này”. Đó là một điều chắc chắn !

Khi chúng ta thưa Amen sau lời nguyện của linh mục chủ tế, điều đó không chỉ có nghĩa là ước muốn những lời cầu nguyện đó được chấp nhận, nhưng còn nói lên rằng : lời nguyện đó cũng là lời nguyện của chính chúng ta, và chúng ta muốn tháp nhập vào đó với hết tâm tình.

Hơn thế nữa, Amen diễn đạt đức tin của toàn cộng đoàn vào sự trung tín của Chúa. Người sẽ nhậm lời những gì cộng đoàn cầu xin với niềm tin tưởng. Bởi vì căn gốc của chữ Do thái này có ý nghĩa sự trung thành, trung tín. Như thế, khi thưa Amen, chúng ta tung hô sự trung tín của Chúa, như lời thánh Phaolô : “Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em, không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng tôi đã rao giảng nơi anh em, [...], nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa” (2 Cor 1,18-20).
(Trích từ tập sách "40 CÂU HỎI VỀ THÁNH LỄ" của Lm. Giuse Vũ Thái Hòa)






Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Để con nên hình bóng ngài


Chúa phán : Các con hãy đi rao giảng tin mừng cho muôn dân, và từ đó khắp các nơi trên bờ cõi trái đất, đâu đâu cũng có dấu chân của các vị truyền giáo, đâu đâu cũng có những người đã kiên cường chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa.

Thánh Phao Lô xưa cũng là một trong những kẻ chuyên săn lùng bắt bớ những người theo Chúa, thế nhưng sự tỉnh thức đã đến với ông nhờ được ánh sáng của Chúa soi chiếu trong một lần càn quét. Và từ đó ông trở thành người Tông đồ nhiệt thành và trở thành một vị thánh lớn của Giáo Hội.

Hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ đẹp trên bàn thờ, không chỉ nhẹ nhàng như cánh hoa. Có đôi khi phải vất vả trên chặng đường của Thập giá để dẫn đưa những con chiên lạc về.

Hôm rồi, trong thánh lễ ở một Giáo họ Quận 8 mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê, người được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI  vì tinh thần truyền giáo cao độ. Trong bài giảng của vị Chủ tế có đoạn mà mình thấy rất tâm đắc. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng tin mừng, ĐI ở đây không chỉ có nghĩa là di chuyển từ nơi này đến nơi khác để gặp gỡ, để mang Chúa đến cho mọi người. Mà còn là mở rộng lòng mình, chạm vào tâm hồn của những người khác. Giới thiệu Chúa đến với mọi người qua chính cuộc sống thường ngày của mình với mọi người xung quanh. Những thái độ, những cách đối xử, những việc làm bác ái nhỏ nhoi cho người anh em tưởng chừng như vô nghĩa nhưng lại chính là tấm gương phản chiếu hình ảnh Đức Kitô.

Trong điều kiện cho phép, mình cảm thấy vui vì ít hay nhiều cũng đã có dịp đi, đã có dịp giới thiệu Chúa đến các anh em khác qua những bài thánh ca. ĐI ở đây đúng nghĩa bài giảng, chỉ quanh quẩn ở một góc nhà lạch cạch với cái máy tính cũ trong những lúc rảnh, nhưng vui vì những bài thánh ca đã chia sẻ đến khắp mọi nơi. đem ít nhiều cảm xúc đến cho . . . . .  vài người, chỉ một vài người thôi cũng đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Và, chút hạnh phúc đó đã làm cho mình thêm sức mạnh để vui vẻ đón nhận thử thách trong cuộc sống còn nhiều khó khăn, lo toan bộn bề. Biết nhìn ra những niềm vui trong những trái ngang của cuộc đời và rồi : để con có ánh mắt từ nhân, để con có tấm lòng khoan dung, để con biết nói lời tha thứ sống đời yêu mến. Từ nay sẽ không là con sống nhưng là Chúa sống trong con từng ngày. Cùng với Chúa con về muôn lối gieo tình yêu mới đắm say lòng người . . .

Bài hát " Để con trở nên hình bóng Ngài "  thật sâu sắc và đầy ý nghĩa với phần dàn dựng, trình bày của nhóm Linh Ca Trio Cha Cha Cha trong VCD Magnificate mừng lễ Giáng Sinh.





Lời bài hát :

Từng ngày xin hãy ở cùng con, từng ngày xin đỡ nâng đời con, 
từng ngày xin đồng hành với con, Chúa ơi. 
Từng ngày xin biến đổi lòng con, từng ngày xin biến đổi tim con, 
để đời con đổi thay đẹp hơn.
Chúa ơi, Chúa ơi, Chúa ơi!

Để con có trái tim của Chúa, trái tim đầy ắp yêu thương nồng nàn.
Để con có đôi tay của Chúa đôi tay trìu mến đỡ nâng dịu dàng.
Để con có ánh mắt từ nhân để con có tấm lòng khoan dung.
Để con biết nói lời tha thứ, sống đời yêu mến.

Từ nay sẽ không là con sống nhưng là Chúa sống trong con từng ngày.
Cùng với Chúa con về muôn nối gieo tình yêu mới đắm say tình người.
Để con nên như là tấm gương phản chiếu bóng hình Chúa tình thương.
Rồi nơi con qua, và nơi con đến tràn ngập yêu thương, tran hòa niềm vui.

Tình Chúa lớn mãi giữa đời!


Tháng 12/2014

Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014

BÊN SÔNG BABYLON




Bài hát Rivers of Babylon không phải là sáng tác của nhóm  Boney M. nhưng do Brent Dowe và Trevor McNaughton thuộc nhóm The Melodians viết vào năm 1970. Bài hát được dùng trong phim The Harder They Come vào năm 1972. Rivers of Babylon chỉ nổi tiếng sau khi được nhóm Boney M. trình bày vào năm 1978.  Sau khi băng nhạc Rivers of Babylon / Brown Girl in the Ring được phát hành, bài Rivers of Babylon đứng đầu danh sách những ca khúc được yêu chuộng nhất tại nhiều quốc gia Âu Châu trong nhiều tuần liên tiếp.

Mặc dầu không phải là một thánh ca nhưng toàn bộ lời ca trong bài Rivers of Babylon được trích từ Kinh Thánh. Nguyên văn lời ca của bài Rivers of Babylon như sau:

“By the rivers of Babylon, there we sat down, yea, we wept, when we remembered Zion… They carried us away in captivity requiring of us a song… Now how shall we sing the Lord’s song in a strange land?
Let the words of my mouth, and the meditation of my heart, be acceptable in Thy sight…”

 “Bên những dòng sông tại Babylon, chúng con ngồi và khóc khi nhớ lại Si-ôn… Những kẻ bắt chúng con làm phu tù yêu cầu chúng con hát một bài ca … Giờ đây, làm thế nào chúng con có thể hát một bài ca của Chúa trên đất ngoại bang?
Nguyện cho những lời nói của miệng con và những suy gẫm của lòng con được đẹp ý Ngài.”





Lời ca nhắc lại một thời kì lịch sử đen tối của dân tộc Do Thái. Năm 586 trước CN vua xứ Babylon là Nebuchadnezzar mang quân tấn công kinh thành Jerusalem của dân Do Thái, đền thờ bị phá hủy, toàn thể dân chúng, kể cả vua của Judah, bị bắt sang sống lưu đày ở kinh đô Babylon. Hơn bốn mươi năm sau, khi đế quốc Ba Tư đánh bại đế quốc Babylon, vào năm 539 trước CN, đại đế Cyrus của Ba Tư mới cho người Do Thái hồi hương.

Tuy bài hát dẫn lời kinh cựu ước nhưng tại sao nhóm Boney M da màu lại nhắc lại lời khóc than của dân Do Thái hơn 2000 năm trước?. Để hiểu điều này phải hiểu rõ bối cảnh ra đời của nhạc Reggae và phong trào Rastafari. Khởi phát từ những nghệ sĩ tài năng như Bob Marley, nhạc reggae đã lan tỏa thôi bừng sức sống văn hóa người da màu ở Jamaca ra toàn thế giới. Cùng với âm nhạc reggae là phong trào Rastafari. Ảnh hưởng về văn hóa và tinh thần của lối sống Rastafari đối với nhạc reggae sâu sắc đến nỗi thật khó hình dung Rastafari lại thiếu raggae và ngược lại. Khi phong trào Rastafari nổi lên từ những khu ghetto vào cuối những năm 30 ở Kinhston, thủ đô của Jamaica thì ngay lập tức phong trào này đã trở thành chiếc cầu nối giúp những người châu Phi lưu lạc hướng về tổ quốc Ethiopia xa xôi, để tôn thờ vị hoàng đế mới lên ngôi. Văn hóa Rastafari không chỉ tồn tại trong lòng đất nước Jamaica mà còn lan rộng đến nhiều nơi trên thế giới.
  
Người da màu ở Jamacca và châu mĩ được đưa đến đây bởi những chuyến tàu buôn nô lệ của thực dân châu Âu. Cho đến tận những năm 70 của thế kỷ 20, họ không ngừng khóc than khi nhớ về quê hương tổ tiên ở Ethiopia. Trong cuộc sống đau khổ và bị phân biệt họ không ngừng phản kháng thông qua âm nhạc và đức tin. Cùng với nhạc reggae, phong trào Rastafari khởi phát ở Jamaca như là một nhánh của Thiên chúa giáo bắc phi. Những người rastafari tin rằng tổ tiên của họ là một trong 12 chi tộc Do thái cổ, những con cháu của Moses đã được Thiên chúa chỉ định và giải thoát. Vào thập niên 1970 phong trào Rastafari hướng về hoàng đế Ethiopia Haile Selassie và xem ông như một vị Chúa cứu thế. Khi Haile Selassie đến thăm Jamaca năm 1966 ông đã được đón tiếp bởi một biển người đầy những tín đồ sùng kính.

Trong phụng vụ, bài Thánh Vịnh 136 là bài ai ca về việc thành Giêrusalem bị hủy hoại và về cuộc lưu đầy ở Babylon, một lời nguyện cầu chân thành xin được giải thoát và là một lời bày tỏ niềm ước vọng về Thánh Đô. Bài Thánh Vịnh này gợi lên hình ảnh Babylon như là một chốn nô lệ và sầu thương được coi như là dấu báo tiêu biểu cho những cảnh tượng kinh hoàng của những trại tử thần ở thế kỷ vừa qua, nơi dân Do Thái đã bị diệt chủng. Trong nỗi sầu muộn của mình, thành phần bị lưu đầy không còn cất tiếng hát “những bài ca về Chúa”, những bài ca chỉ có thể dâng lên Thiên Chúa trong tự do và trong môi trường nguyện cầu phụng vụ. Trong Mùa Vọng, Giáo Hội đọc bài Thánh Vịnh này, với lời van nài của bài thánh vịnh mong được giải thoát cùng với nỗi khát mong nhung nhớ về Thánh Đô, như là một bày tỏ của niềm Giáo Hội hy vọng nguyện cầu cho việc Chúa Kitô đến. 

Mời mọi người cùng nghe bài thánh ca  " Bên Sông Babylon "  qua tiếng hát Ca đoàn Ngàn Thông có cùng nội dung với  " Rivers of Babylon "

Sưu Tầm 12/2014