Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ba Tôi



Ngày còn bé, trong mắt anh chị em chúng tôi thì Ba là một người rất oai phong và nghiêm khắc. Là con út trong gia đình 8 anh chị em, vậy mà cũng chỉ vài năm nữa là tôi đã bước vào hàng U50 rồi. Thế nhưng, mỗi khi có dịp nhắc lại chuyện cũ thì mọi người thi nhau kể về những lần mà Ba tôi tặng cho mọi người những " dấu ấn khó phai " vào mông trong những dịp lầm lỗi, có khi cả tuần không ngồi được vì dấu ấn hằn sâu.

Ba là thế, chăm chút từng miếng ăn bổ dưỡng cho các con nhưng khi đã cho ăn đòn thì không nương tay chút nào. Dãy hàng rào trước nhà được thay mới thường xuyên vì mỗi khi chúng tôi có lỗi thì cái hàng rào ấy lại mất đi một ít cây !

Hồi đó tôi còn quá nhỏ để mà không nhớ mình đã bao lần góp phần làm cho cái hàng rào được thay mới. Nhưng có lẽ chẳng ai trong nhà dám làm cái chuyện có một không hai như tôi được nghe Mẹ kể lại. Nhân một dịp gì đó, Ba tôi tặng ngay cho tôi một cây vào mông. Không thấy nói là tôi có khóc hay không nhưng Mẹ nói khi đó mặt tôi hầm hầm và " canh me " cho đến khi Ba ngủ thì len lén cầm cái cây đũa bếp để . . . trả đũa ông, cho dù trước đó Mẹ đã cảnh báo sẽ có một trận mưa roi đổ xuống trên tôi. Chuyện kể tới đây thì bị gián đoạn vì mọi người đều potay.com và cười ngất rồi nên không biết kết cục ra sao nữa. Chuyện anh chị em tôi bị đòn kể ra thì ngày này sang ngày khác không hết, có một điều ai cũng rất hào hứng khi kể lại những kỷ niệm đã in sâu như những vết hằn của đòn roi. Có lẽ vì ai cũng đã hiểu được những vết hằn trên mông ấy mà hôm nay chúng tôi đã sống tốt hơn.

Sau ngày giải phóng, Ba tôi không còn dùng đến cây roi nào nữa. Không phải vì chúng tôi đã lớn, cũng chẳng vì chúng tôi ngoan hơn. Lý do chính xác nhất mà chỉ Mẹ mới biết là vì ông suy luận rất đơn giản và thực tế : đời sống lúc ấy đã quá khó khăn, cơ cực và thiếu thốn. Cơm còn không đủ no thì làm gì mà mấy đứa có sức chịu những trận roi đòn của Ba ?

Vào một đợt dịch sốt xuất huyết lan rộng, tôi khi ấy đang học lớp 7, lớp 8 gì đó. Tôi đã phải vào nhà thương Nhi đồng để điều trị với tình trạng nguy kịch, vị bác sỹ làm các xét nghiệm cần thiết và kê một toa thuốc để chích cho tôi. Tôi còn nhớ ông bác sỹ hỏi Mẹ : Nhà có đủ điều kiện để mua 2 ống thuốc này hay không ? Tôi không nghe được câu trả lời của Mẹ. Ngày xuất viện, tôi về nhà và không còn thấy chiếc xe Suzuki 50CC mà Ba vẫn dùng làm phương tiện đi làm. Kể từ đó, Ba hàng ngày rong ruổi gần 20 km đến chỗ làm và trở về nhà trên chiếc xe đạp cùng với đôi chân khập khiễng vì tai nạn hồi còn thanh niên.

Nhiều tuổi hơn một chút, Ba không đi làm nữa mà xin về gác cổng cho tu viện trong một nhà thờ gần nhà. ông rất thích khi được làm việc ở đây. Có lần tôi đã nghe ông đã tâm sự với các bác bạn bè: thôi tuổi lớn rồi, về đây để có dịp được gần Chúa hơn. Cũng là để có nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị kỹ càng hành trang về quê trời. Có một điều, dù chỉ là ông gác cổng, Ba tôi luôn được rất nhiều người yêu thương và kính trọng. Không phải vì tướng tá oai phong của một người đã từng làm sếp, cũng không phải ông có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng chính các thứ ngôn ngữ của họ, kể cả tiếng Latinh mà ông đã được học trong trường dòng. Nhưng ở Ba tôi, hình như ai cũng cảm nhận được một tấm lòng yêu thương ẩn trong nét nghiêm nghị. Một điều gì đó rất thâm thúy bên trong cái giản đơn của ông. Có lẽ mọi người khi nói chuyện với ông đều ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, trái ngược với vẻ bên ngoài của một ông gác cổng.

Thời gian qua đi, tuổi già và bịnh tật đến. Ông không thể tiếp tục làm việc mà phải về nghỉ an dưỡng vì căn bịnh nhồi máu cơ tim của mình. Thế nhưng đều đặn mỗi sáng, mỗi trưa ông vẫn thầm đọc kinh nguyện trên chiếc ghế lưới đan mà ông thích. Buổi chiều là dịp để ông gặp lại các bạn bè, các người thân quen khi đến dự thánh lễ tại nhà thờ. Tối đến lại quây quần bên con cháu trong gia đình sau bữa cơm.

Vào ngày đầu của một năm mới, Ba tôi đột ngột bỏ lại tất cả cuộc đời để về với hạnh phúc vĩnh cửu ngay trên chiếc ghế ông thích ngày nào. Trước bàn thờ và kề bên tấm ảnh Đức Mẹ mà ông đã mua để ghi nhớ ơn thiêng chữa lành cho đôi chân của chị Ba Lì. Nhiều người không chấp nhận được khi nghe tin báo, vì mới chỉ hồi sáng còn ngồi nói chuyện vui vẻ khi đến thăm ông ngày đầu năm. Ngày Ba ra đi, mọi người trong nhà và các con cháu thống nhất ý kiến sẽ không khóc để vơi bớt đi cảnh tang thương, tránh xúc động, ảnh hưởng đến sức khỏe của Mẹ già và cũng là để các nghi thức thêm phần trang trọng. Thế nhưng, khi thi hài Ba vừa được đặt vào quan tài, một đứa bạn của tôi bất chợt òa khóc ngon lành, thế là . . . . không còn ai cản nổi những kìm nén trong lòng, và òa khóc với nhau như một bản hợp ca sau phần lĩnh xướng. 

Những ngày sau đó, từ sáng cho tới tận khuya, ngoài con cháu họ hàng tụ tập về. Không biết bao nhiêu là người thân quen, bao nhiêu những bạn bè từ khắp nơi, trong đó có cả những Linh mục, Tu sĩ. Các hội đòan trong và ngoài giáo xứ đến viếng và chia buồn cùng gia đình như một lần nữa chứng minh tình cảm sâu đậm mà ông đã để lại trong lòng mọi người. Có một người bạn, tuy chưa bao giờ thay mặt ca đoàn chia buồn với các tang gia trong các buổi đọc kinh đám ma, vậy mà hôm nay đứng trước linh cữu của ông cũng thốt lên : Thưa Bố, hôm nay con đến để chào Bố lần cuối . . . . Cử hành thánh lễ tại gia, Vị Chủ tế đã chia sẻ : . . . . hôm nay tôi đến dâng thánh lễ cho ông, cứ coi như dâng thánh lễ cho một người Bố . . . . Chữ Bố sao mà thân thương đến thế !

Thánh lễ tại gia hôm ấy, mọi người trong nhà muốn được tự hát cho Ba những bài hát mà Ba rất thích nghe khi còn sống, vì các con đều là dân ca đoàn và đã từng hát những bài này không biết bao lần. Thế mà, ca trưởng thì vừa đánh nhịp vừa lau nước mắt, ca viên thì hát câu được câu không vì những tiếng nấc nghẹn ngào cứ mãi dâng theo từng câu hát. Khóc nhưng vẫn hát, hát với nỗi lòng của những đứa con sẽ không bao giờ có cơ hội để bị đòn roi lần nữa. Hát với nguyện ước Ba hãy đi trong an bình. Hình ảnh của Ba trong chúng con là mãi mãi không phai, công ơn của Ba, chúng con nguyện ghi khắc suốt đời.

Bây giờ, Mẹ và gia đình quyết định chuyển Ba về ở một " chung cư nhiều ngăn " gần nhà. Tuy không rộng rãi bằng căn nhà 4 mặt tiền như xưa nhưng lại ấm áp, gần gũi hơn với những bà con thân quen, những bạn bè trong cùng giáo xứ. Ngày ngày lại được nghe tiếng vang vọng của 3 cái chuông, lại được nghe tiếng cầu kinh, tiếng ca hát của các đứa con thân yêu ngày nào . . . . 


Mai Hải Hồ
05/2014

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2014

Salve Regina - Lạy Nữ Vương Mẹ Nhân Lành



Lạy nữ vương Mẹ nhân lành Lời kinh cầu khấn thắm thiết cùng Đức Mẹ Maria, ngoài kinh Kính mừng Maria, mà người tín hữu Chúa Kitô đọc hầu như thuộc lòng là kinh Salve regina- Lạy nữ vương mẹ nhân lành. 

“Salve, Regina, Mater misericordiae, vita, dulcedo, et spes nostra, salve. ad te clamamus exsules filii Hevae, ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle. Eia, ergo, advocata nostra, illos tuos misericordes oculos ad nos converte; et Jesum, benedictum fructum ventris tui, nobis post hoc exsilium ostende. O clemens, O pia, O dulcis Virgo Maria.” 

“Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chủ bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ. Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh.” 

Đâu là nguồn gốc xuất xứ cùng ý nghĩa Lời kinh cảm động này? 

Lời kinh Salve regina do Thầy dòng Benedictô Hermann der Lahme ( + 1054), người Đức viết ra bằng tiếng latinh ở Tu viện Reichenau vùng Bodensee miền Nam nước Đức. 

Thầy Dòng Hermann ngay từ hồi thanh thiếu niên đã bị tàn tật. Nhưng Thầy được Chúa ban cho khả năng trí khôn thông minh. Thầy ham mê đọc sách, nghiên cứu và làm thơ văn, nhưng cầu nguyện vẫn luôn là nhịp sống cần thiết cho đời sống mà Thầy hằng chú tâm chăm sóc.

Có nhiều tài năng thiên bẩm, nhưng vì bị tàn tật nên không thể tự mình làm được cả những điều căn bản cần thiết cho đời sống hằng ngày. Cuộc sống trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của anh em trong Dòng, của người khác. Và như thế lâu dài trở nên gánh nặng cho họ. Dù nhà Dòng rất kính trọng yêu mến Thầy, cùng sẵn sàng giúp Thầy sống trọn vẹn ơn Kêu Gọi Tu sỹ, nhất là giúp Thầy phát triển tài năng Chúa ban cho Thầy!

Trong những giờ phút hoàn cảnh đau khổ như thế bài kinh cầu khẩn Salve Regina được cưu mang thai nghén và chào đời trong tâm hồn thầy Dòng tàn tật Hermann.

Thầy Dòng Hermann đã đọc kinh Kính mừng Ave Maria hằng ngày, hằng giờ, nên khi cảm hứng sáng tác kinh cầu nguyện thầy đã mượn lời Thiên Thần Gabriel chào Đức mẹ Maria là nữ vương: Salve regina!

Lời kinh Salve Regina đã gợi hứng cho không biết bao nhiêu những nhạc sỹ từ xưa nay viết thành những tấu khúc lớn nhỏ danh tiếng, nhất là vào thời Trung Cổ cho đến thời cận đại như Henri Dumont, G.F. Händel, Franz Liszt, Franz Schubert, Pierre de la Ruy….

Cùng xem các soeur trong Sister Act ca tụng danh thánh Mẹ Maria qua bài hát Hail Holy Queen



Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Cám ơn Mẹ vì Mẹ là . . . Mẹ của con !



Mỗi khi bước vào nhà, bất kể là sáng, trưa, chiều hay tối, chưa kịp dựng chiếc xe cho đàng hoàng, là tôi lại phải vội trả lời câu hỏi của Mẹ tôi khi vừa thấy mặt tôi : đã ăn cơm chưa ? Có ăn ( cái này, cái kia ) không ? Chuyện từ hồi nhỏ xíu cho đến tận bây giờ, và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn dài dài nữa.

Bây giờ còn thêm cái khoản khi mỗi lần dắt xe ra về , đã thấy cái bao ny-lông mà Bà đã lẳng lặng cột vào vào xe từ khi nào rồi, trong đó khi thì vài ba cái kẹo, khi dăm ba cái bánh hoặc có khi là trái cam, trái xoài và Bà luôn nói với theo : đem về cho mấy đứa nhỏ ở nhà.

Với Mẹ tôi, chẳng có cái hàng quán nào cho chúng tôi một bữa cơm thịnh soạn như của Bà chuẩn bị cho cả nhà. Mà thật thế, với tôi ngày ấy, đôi bàn tay Mẹ như có phép thuật khi Bà chế biến các món ăn cho gia đình. Trong thời gian khó khăn nhất của đất nước, chuyện ăn khoai mì, khoai lang, bo bo mì sợi thay cơm là chuyện hàng ngày. Bà luôn sáng tạo ra đủ các loại bánh bột mì, bánh khoai lang, bánh khoai mì  . . . . để mọi người ăn thay cho cơm. Các loại chè cũng từ khoai lang, khoai mì mà ra. Tôi, nhỏ nhất nhà nên thường hay ganh tỵ với mọi người vì " phải " ăn cơm mà không được thưởng thức những món tuyệt vời kia.

Rồi cũng qua đi thời kỳ gian khổ, gạo cũng đã có lại cho mọi người. Những ngày nghỉ lễ cả nhà cùng quây quần để thưởng thức tài nghệ Bánh Cuốn, Bánh Xèo, Bánh Bông Lan của Mẹ tôi. Những lúc ấy Bà như một nhạc trưởng, điều khiển mọi người trong nhà, mỗi người một việc cứ thế mà làm nhịp nhàng. Nhớ nhất là những buổi đổ bánh Xèo, Bà không khác nào là " một mình chống Mafia ". Tám anh chị em bu quanh cái bếp than của Bà, chỉ chờ cái bánh ra khỏi chảo là gắp vào dĩa đem lên ăn ngay. Cái sau chưa xong thì cái trước đã hết !!! Nhưng Bà nói : ăn nóng thế mới ngon ! cả nhà cứ ăn đừng chờ Mẹ. Và bà luôn luôn là người ăn những cái cuối cùng của nồi bột.

Ngày qua ngày, tuổi Mẹ tôi ngày càng lớn. Những tháng ngày vất vả vì đám con cháu cộng thêm bịnh tật nên Bác sĩ giờ là bạn thân. Các giác quan cũng già dần theo năm tháng, mắt thì mờ, tai thì nghe không rõ. Bà cũng không còn nấu ăn vì không thể nêm nếm cho các món ăn như ngày xưa.

Đôi lúc bây giờ tôi lại thèm được một lần lại được ăn món cá kho với mía của Mẹ, dĩa đậu cô-ve xào với carốt, cà chua. Món ăn rất giản đơn nhưng không thể vì chưa thấy ở đâu làm giống như của Bà. Cũng may mắn là vài năm trước khi Mẹ còn khỏe tôi đã kịp nói Bà Xã ở nhà học được vài món kho thịt, kho cá, vài món canh của Mẹ mà tôi rất thích.

Năm trước, vào ngày sinh nhật của Mẹ, tôi biếu Bà một DVD do tôi tự sao chép các bài nhạc từ trên Internet và  . . . . " xào nấu, thêm mắm thêm muối " lại theo ý thích của riêng mình. Vậy mà Bà vẫn cất riêng, một hôm tôi giật mình khi về nhà và thấy Bà đang ngồi coi lại DVD này. Chỉ đáng vài ngàn đồng nhưng đối với trình độ máy tính thuộc hàng . . . .  " cao siêu " của tôi thì DVD này là đối với tôi là một công trình vĩ đại rồi. Cũng như các món ăn của Mẹ tôi, dù chỉ là bột mì, khoai lang nhưng nó sẽ còn mãi trong ký ức của tôi. Trong bài hát tình Mẹ của Mỹ Tâm trình bày, tôi thích nhất lời dẫn trích từ bức thư của một khán giả gửi cho chương trình TLMN :

. . . . CON CÁM ƠN MẸ VÌ MẸ LÀ . . .  MẸ CỦA CON !







Mai Hải Hồ
05/2014




Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

CON SẼ LUÔN THEO NGÀI

Hình ảnh Chúa Giêsu tay cầm gậy, mắt luôn nhìn về xa, hướng theo đoàn chiên muốn nói lên cho chúng ta một điều : Người luôn quan phòng và yêu thương con cái của mình.

Như người mục tử tốt lành biết tên từng con chiên, gọi đích danh từng con chiên của mình, Thiên Chúa biết rõ những khó khăn vất vả, những yếu đuối vấp ngã, những bệnh tật khổ đau, những ê chề thất vọng của chúng ta… Và Người luôn ở bên chúng ta để an ủi vỗ về, để nuôi dưỡng bổ sức.

Chúa là người chăn chiên hiền lành.

Khác với người chăn chiên thuê phó mặc “ sống chết mặc bay” hay ba chân bốn cẳng vội vàng chạy trốn khi thấy sói rừng xuất hiện… người chăn chiên đích thực là một người mục tử nhân hậu, thương mến đàn chiên, tận tình chăm sóc, bảo vệ đàn chiên, thỏa mãn mọi nhu cầu cần thiết, luôn sát cạnh với chúng hằng ngày, và sẵn sàng thí mạng sống mình vì đàn chiên.


Thiên Chúa đầy lòng xót thương chẳng bỏ rơi con chiên nào như hình ảnh người chăn chiên vác trên vai con chiên bị thương tích, bệnh hoạn..mà đưa về nhà.

Mục tử rất yêu thương con chiên, dám hy sinh mạng sống vì chiên. Đáp lại, con chiên phải biết tiếng mục tử và theo tiếng gọi của mục tử. Hãy tin tưởng và phó thác mọi sự nơi Người, hãy quyết tâm và khẳng định con đường mình sẽ đi :  " I Will Follow Him  "

I will follow him
Ever since he touched my heart, I knew
There isn't an ocean too deep
A mountain so high it can keep
Keep me away, away from his love

I love him, I love him, I love him
And where he goes I'll follow, I'll follow, I'll follow
I will follow him, follow him where ever he may go
There isn't an ocean too deep
A mountain so high it can keep, keep me away