Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Ba Tôi



Ngày còn bé, trong mắt anh chị em chúng tôi thì Ba là một người rất oai phong và nghiêm khắc. Là con út trong gia đình 8 anh chị em, vậy mà cũng chỉ vài năm nữa là tôi đã bước vào hàng U50 rồi. Thế nhưng, mỗi khi có dịp nhắc lại chuyện cũ thì mọi người thi nhau kể về những lần mà Ba tôi tặng cho mọi người những " dấu ấn khó phai " vào mông trong những dịp lầm lỗi, có khi cả tuần không ngồi được vì dấu ấn hằn sâu.

Ba là thế, chăm chút từng miếng ăn bổ dưỡng cho các con nhưng khi đã cho ăn đòn thì không nương tay chút nào. Dãy hàng rào trước nhà được thay mới thường xuyên vì mỗi khi chúng tôi có lỗi thì cái hàng rào ấy lại mất đi một ít cây !

Hồi đó tôi còn quá nhỏ để mà không nhớ mình đã bao lần góp phần làm cho cái hàng rào được thay mới. Nhưng có lẽ chẳng ai trong nhà dám làm cái chuyện có một không hai như tôi được nghe Mẹ kể lại. Nhân một dịp gì đó, Ba tôi tặng ngay cho tôi một cây vào mông. Không thấy nói là tôi có khóc hay không nhưng Mẹ nói khi đó mặt tôi hầm hầm và " canh me " cho đến khi Ba ngủ thì len lén cầm cái cây đũa bếp để . . . trả đũa ông, cho dù trước đó Mẹ đã cảnh báo sẽ có một trận mưa roi đổ xuống trên tôi. Chuyện kể tới đây thì bị gián đoạn vì mọi người đều potay.com và cười ngất rồi nên không biết kết cục ra sao nữa. Chuyện anh chị em tôi bị đòn kể ra thì ngày này sang ngày khác không hết, có một điều ai cũng rất hào hứng khi kể lại những kỷ niệm đã in sâu như những vết hằn của đòn roi. Có lẽ vì ai cũng đã hiểu được những vết hằn trên mông ấy mà hôm nay chúng tôi đã sống tốt hơn.

Sau ngày giải phóng, Ba tôi không còn dùng đến cây roi nào nữa. Không phải vì chúng tôi đã lớn, cũng chẳng vì chúng tôi ngoan hơn. Lý do chính xác nhất mà chỉ Mẹ mới biết là vì ông suy luận rất đơn giản và thực tế : đời sống lúc ấy đã quá khó khăn, cơ cực và thiếu thốn. Cơm còn không đủ no thì làm gì mà mấy đứa có sức chịu những trận roi đòn của Ba ?

Vào một đợt dịch sốt xuất huyết lan rộng, tôi khi ấy đang học lớp 7, lớp 8 gì đó. Tôi đã phải vào nhà thương Nhi đồng để điều trị với tình trạng nguy kịch, vị bác sỹ làm các xét nghiệm cần thiết và kê một toa thuốc để chích cho tôi. Tôi còn nhớ ông bác sỹ hỏi Mẹ : Nhà có đủ điều kiện để mua 2 ống thuốc này hay không ? Tôi không nghe được câu trả lời của Mẹ. Ngày xuất viện, tôi về nhà và không còn thấy chiếc xe Suzuki 50CC mà Ba vẫn dùng làm phương tiện đi làm. Kể từ đó, Ba hàng ngày rong ruổi gần 20 km đến chỗ làm và trở về nhà trên chiếc xe đạp cùng với đôi chân khập khiễng vì tai nạn hồi còn thanh niên.

Nhiều tuổi hơn một chút, Ba không đi làm nữa mà xin về gác cổng cho tu viện trong một nhà thờ gần nhà. ông rất thích khi được làm việc ở đây. Có lần tôi đã nghe ông đã tâm sự với các bác bạn bè: thôi tuổi lớn rồi, về đây để có dịp được gần Chúa hơn. Cũng là để có nhiều thời gian hơn trong việc chuẩn bị kỹ càng hành trang về quê trời. Có một điều, dù chỉ là ông gác cổng, Ba tôi luôn được rất nhiều người yêu thương và kính trọng. Không phải vì tướng tá oai phong của một người đã từng làm sếp, cũng không phải ông có thể giao tiếp với người nước ngoài bằng chính các thứ ngôn ngữ của họ, kể cả tiếng Latinh mà ông đã được học trong trường dòng. Nhưng ở Ba tôi, hình như ai cũng cảm nhận được một tấm lòng yêu thương ẩn trong nét nghiêm nghị. Một điều gì đó rất thâm thúy bên trong cái giản đơn của ông. Có lẽ mọi người khi nói chuyện với ông đều ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, trái ngược với vẻ bên ngoài của một ông gác cổng.

Thời gian qua đi, tuổi già và bịnh tật đến. Ông không thể tiếp tục làm việc mà phải về nghỉ an dưỡng vì căn bịnh nhồi máu cơ tim của mình. Thế nhưng đều đặn mỗi sáng, mỗi trưa ông vẫn thầm đọc kinh nguyện trên chiếc ghế lưới đan mà ông thích. Buổi chiều là dịp để ông gặp lại các bạn bè, các người thân quen khi đến dự thánh lễ tại nhà thờ. Tối đến lại quây quần bên con cháu trong gia đình sau bữa cơm.

Vào ngày đầu của một năm mới, Ba tôi đột ngột bỏ lại tất cả cuộc đời để về với hạnh phúc vĩnh cửu ngay trên chiếc ghế ông thích ngày nào. Trước bàn thờ và kề bên tấm ảnh Đức Mẹ mà ông đã mua để ghi nhớ ơn thiêng chữa lành cho đôi chân của chị Ba Lì. Nhiều người không chấp nhận được khi nghe tin báo, vì mới chỉ hồi sáng còn ngồi nói chuyện vui vẻ khi đến thăm ông ngày đầu năm. Ngày Ba ra đi, mọi người trong nhà và các con cháu thống nhất ý kiến sẽ không khóc để vơi bớt đi cảnh tang thương, tránh xúc động, ảnh hưởng đến sức khỏe của Mẹ già và cũng là để các nghi thức thêm phần trang trọng. Thế nhưng, khi thi hài Ba vừa được đặt vào quan tài, một đứa bạn của tôi bất chợt òa khóc ngon lành, thế là . . . . không còn ai cản nổi những kìm nén trong lòng, và òa khóc với nhau như một bản hợp ca sau phần lĩnh xướng. 

Những ngày sau đó, từ sáng cho tới tận khuya, ngoài con cháu họ hàng tụ tập về. Không biết bao nhiêu là người thân quen, bao nhiêu những bạn bè từ khắp nơi, trong đó có cả những Linh mục, Tu sĩ. Các hội đòan trong và ngoài giáo xứ đến viếng và chia buồn cùng gia đình như một lần nữa chứng minh tình cảm sâu đậm mà ông đã để lại trong lòng mọi người. Có một người bạn, tuy chưa bao giờ thay mặt ca đoàn chia buồn với các tang gia trong các buổi đọc kinh đám ma, vậy mà hôm nay đứng trước linh cữu của ông cũng thốt lên : Thưa Bố, hôm nay con đến để chào Bố lần cuối . . . . Cử hành thánh lễ tại gia, Vị Chủ tế đã chia sẻ : . . . . hôm nay tôi đến dâng thánh lễ cho ông, cứ coi như dâng thánh lễ cho một người Bố . . . . Chữ Bố sao mà thân thương đến thế !

Thánh lễ tại gia hôm ấy, mọi người trong nhà muốn được tự hát cho Ba những bài hát mà Ba rất thích nghe khi còn sống, vì các con đều là dân ca đoàn và đã từng hát những bài này không biết bao lần. Thế mà, ca trưởng thì vừa đánh nhịp vừa lau nước mắt, ca viên thì hát câu được câu không vì những tiếng nấc nghẹn ngào cứ mãi dâng theo từng câu hát. Khóc nhưng vẫn hát, hát với nỗi lòng của những đứa con sẽ không bao giờ có cơ hội để bị đòn roi lần nữa. Hát với nguyện ước Ba hãy đi trong an bình. Hình ảnh của Ba trong chúng con là mãi mãi không phai, công ơn của Ba, chúng con nguyện ghi khắc suốt đời.

Bây giờ, Mẹ và gia đình quyết định chuyển Ba về ở một " chung cư nhiều ngăn " gần nhà. Tuy không rộng rãi bằng căn nhà 4 mặt tiền như xưa nhưng lại ấm áp, gần gũi hơn với những bà con thân quen, những bạn bè trong cùng giáo xứ. Ngày ngày lại được nghe tiếng vang vọng của 3 cái chuông, lại được nghe tiếng cầu kinh, tiếng ca hát của các đứa con thân yêu ngày nào . . . . 


Mai Hải Hồ
05/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét