Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

HANG BÊLEM




Nếu như Silent Night là một nhạc phẩm bất hủ của thế giới thì, Hang BêLem là một bài hát không thể thiếu được tại các nhà thờ Việt nam trong các thánh lễ mừng Giáng sinh. Và có một điều cũng khá thú vị là HANG BÊLEM luôn được chọn làm bài hát cuối cùng cho một thánh lễ, một sự kiện, chương trình nào đó hay với cả những DVD ca nhạc về mùa Giáng sinh. Bài hát như một bản tóm tắt tất cả cho mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người, HANG BÊLEM thực sự đã tạo được sự âm vang trong lòng người nghe khi rất nhiều người vẫn khe khẽ hát tiếp bài hát trên đường về nhà.


Những câu hát khởi đi từ giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước, vẫn còn vang vọng mỗi dịp mừng lễ Giáng sinh, từ trong các thánh đường Công giáo tại Việt Nam và theo chân đoàn con cái Chúa đi khắp những miền xa xôi trên thế giới, từ những đài phát thanh, đài truyền hình đến tận các tư gia. Ngày nay trên các tụ điểm sân khấu vang lên tưng bừng trong những đêm Noel. Không chỉ có thế nhà nhà đều mở nhạc Giáng Sinh và thể nào cũng có bài Hang Be-lem. Bài hát thật giản dị, dễ nhớ, đã đi sâu vào lòng người. Nhiều người thú nhận đó là bài thánh ca Giáng sinh đầu tiên và duy nhất mà họ thuộc nằm lòng và chắc chắn nó sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng những người Công giáo Việt Nam và trên toàn thế giới.


Chính cái  gần gũi và đậm nét dân dã của ca khúc đã nằm trong trí nhớ của hàng triệu giáo dân. Lời hát êm ái mà chân thật như một trang cổ tích kể lại đêm giáng trần trong cảnh nghèo khó, đơn sơ của một em bé mà khi sinh ra, sự chí thánh đã làm khung cảnh lạnh lẽo chung quanh trở nên ấm áp vì tình thương của Ngài. Nhạc sĩ Hải Linh đã đem tâm tình của một con chiên để ngợi ca Thiên Chúa hơn là viết thánh ca từ tâm thức phụng vụ. Giai điệu chân thành, lời ca êm ái là nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ các ca đoàn khắp trong và ngoài nước khi hát bài hát này.


Trong tâm thức chia sẻ và ngợi khen hết mực đối với Thiên Chúa, ca khúc Hang Belem tôn vinh niềm tin vĩnh cửu, tình thương vô bờ và lấp lánh trần gian giữa khung cảnh lạnh lẽo của một đêm đông xa tít tắp trong kinh thánh đã trở thành kỷ niệm cho hàng ngàn nhà thờ trong và ngoài nước…


Được coi như bậc Thầy có công lớn trong nền âm nhạc Việt Nam với khoảng 60 bài để TÔN VINH THIÊN CHÚA, 60 bài để TÁN TỤNG QUÊ HƯƠNG, với trên dưới 40 bản đệm đàn, bản dạo đàn, cũng như trên 10 tập tài liệu soạn ra để huấn luyện Ca trưởng, dạy đệm đàn, dạy sáng tác . . . . , vậy mà trong một lần được phỏng vấn, Nhạc sư Hải Linh đã chia sẻ :

“Tôi phải thú nhận rằng tôi không có sáng tác gì cả vì chỉ có một Đấng Tạo Hóa mới thực sự sáng tác mà thôi. Còn tôi cũng như bao nhiêu người khác thì không dám nói là mình sáng tác. Tôi chỉ có "sàng tạc" được một đôi bài. Sàng là sàng qua lọc lại; tạc là dựa vào một mô thức đã có sẵn để chế biến... như người tạc tượng vậy.

Viết nhạc cũng cực như lao động chân tay vậy vì phải cưu mang, phải tính toán, rồi còn phải biết lý tưởng hóa những cảm nghĩ, tình cảm vv... Mỗi bài phải có một sức sống riêng. Tất cả những bài tôi viết nằm trong hai chủ đề là: Tôn Vinh Thiên Chúa, và Tán Tụng Quê Hương Việt Nam


Tôi phải cảm tạ Thiên Chúa suốt ngày, suốt đời tôi, vì Ngài đã cho tôi biết được một thứ ngôn ngữ tế vi và phổ quát của nhân loại. Tôi cũng phải luôn luôn tán tụng Quê Hương vì đã dưỡng dục tôi”.


Lúc sinh thời, cố nhạc sư Hải Linh đã có lần kể về sự ra đời của bài hát Hang Bêlem:


Một hôm, tôi đi ngang qua Tòa soạn bán nguyệt san Đường Sống ở Nam Định, ông Minh Châu - chủ nhiệm - thấy tôi thường hay hát nên đố tôi làm được một bài để đăng vào báo Đường Sống nhân mùa Giáng Sinh. Tôi nhận lời và hẹn ba ngày sau trở lại.


Sau ba ngày tôi đưa bản nhạc Hang Be-lem tới Tòa soạn và tập sơ qua cho một số anh chị em trong Tòa soạn. Khi hát lên, mọi người thấy thích quá nên ông Minh Châu mới thương lượng với tôi thế này: Ông sẽ trả chi phí cho người cầm bản nhạc lên Hà Nội để tìm Mạnh Quỳnh và thuê Mạnh Quỳnh khắc vào bản gỗ. Sau khi đã in 2000 số báo Đường Sống, ông Minh Châu sẽ cho tôi lại bản gỗ của bản nhạc. Tôi cũng đồng ý như vậy.


Bài Hang Bêlem đã ra đời như thế, và đã được chính tác giả điều khiển ca đoàn nhà thờ chính tòa Phát Diệm hát lần đầu tiên trong thánh lễ Đêm Giáng Sinh năm 1945. Và đây cũng có thể xem là ca khúc quen thuộc nhất của bất cứ người công giáo nào khi lễ Giáng Sinh tới gần.


Mời mọi người cùng nghe lại HANG BÊLEM được trình bày qua tiếng hát ban hợp xướng Quê Hương dưới sự điều khiển của Linh Mục Xuân Thảo dòng Phanxicô, một trong những học trò còn lại của Nhạc sư Hải Linh.






Nghe ban hợp xướng Trùng Dương trình bày HANG BÊLEM: tại đây .



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét